Ngày 22/03/2011-14:06:00 PM
(MPI Portal) - Theo ủy quyền của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo tình hình kinh tế -- xã hội tới kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 Khóa XII. Báo cáo này tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2011 và ước quý I - 2011.
Trong 2 tháng đầu năm 2011, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường, giá cả, và chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Mão. Đồng thời, đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.
Nhìn chung, việc thực hiện đồng bộ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011,... đã đạt được những kết quả tích cực. Nhân dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc vui Tết, đón Xuân trong không khí vui tươi, đầm ấm và an toàn. Sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ phát triển nhanh; xuất khẩu tăng cao, nhập siêu được kiểm soát; khu vực dịch vụ phát triển tốt, hoạt động du lịch diễn ra sôi động;...
Về nông nghiệp: Tổng diện tích gieo cấy tính đến ngày 15/02/2011 ước đạt 2.580,7 nghìn ha, bằng 94,1% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó, diện tích gieo cấy của các tỉnh phía Bắc ước đạt 673,9 nghìn ha, bằng 76,2% so với cùng kỳ, các tỉnh phía Nam ước đạt 1.906,8 nghìn ha, bằng 102,6%. Hiện các tỉnh đồng bằng sông Cửu long đã bắt đầu thu hoạch trà lúa đông xuân sớm, tính đến 15/02/2011 ước đạt 367,4 nghìn ha, bằng 137,1% so cùng kỳ năm trước.
Về lâm nghiệp: Tính chung hai tháng đầu năm 2011, trồng cây lâm nghiệp phân tán ước đạt 29,8 triệu cây, tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2010; sản lượng gỗ các loại khai thác ước đạt 533 nghìn m3, tăng 6,6%.
Về thủy sản: Tính chung hai tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 711,8 ngàn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó: sản lượng nuôi trồng đạt 304,5 ngàn tấn, tăng 5,1%; sản lượng khai thác đạt 407,3 ngàn tấn, giảm 1,4%.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2011 ước đạt 5,5% (cùng kỳ quý I/2010 tăng 5,83%); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,0%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 5,7%, trong đó công nghiệp tăng khoảng 5,8%, xây dựng tăng khoảng 5,6%; dịch vụ tăng khoảng 6,2%.
|
Về công nghiệp: Hai tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) đạt 131 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%; trong đó: khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 17%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,6%.
Các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có mức tăng trưởng đạt hoặc cao hơn mức kế hoạch chung của ngành, gồm: khí hoá lỏng tăng 26,2%; thủy hải sản chế biến tăng 15,9%; đường kính tăng 17,9%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 22,3%; xe chở khách tăng 14,7%; xe máy tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2011,...
Ước quý I năm 2011, GTSXCN tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó công nghiệp khai thác tăng 2,1%, công nghiệp chế biến tăng 15,0% và công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước tăng 15,9%.
Về hoạt động thương mại: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2011 đạt trên 304,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2010. Ước quý I năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, ước đạt 454 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2010.Về hoạt động du lịch:Dịp nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cùng với nhiều lễ hội trong dịp Tết đã góp phần làm cho hoạt động du lịch trong tháng diễn ra sôi động, thu hút được một số lượng lớn khách du lịch. Ước quý I năm 2011, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc (tăng 39%), Hoa Kỳ (tăng 8,4%), Nhật Bản (tăng 30,4%), Hàn Quốc (tăng 17,4%), Campuchia (tăng 42,8%).
Về vận tải hàng hoá và hành khách: Tính chung hai tháng đầu năm 2011, khối lượng vận chuyển hàng hoá ước đạt trên 126,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2010; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt xấp xỉ 27,9 tỷ tấn.km, bằng 98,4% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt trên 430,4 triệu lượt hành khách, tăng 14,2%; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt xấp xỉ 19,2 tỷ HK.km, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2010.Về bưu chính, viễn thông: Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong hai tháng đầu năm 2011 ước đạt trên 1,5 triệu thuê bao, bằng 32,7% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó có 50 nghìn thuê bao cố định, bằng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 02/2011 ước đạt 172,6 triệu thuê bao, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 16,5 triệu thuê bao cố định, tăng 2,4%. Số thuê bao internet băng rộng trên cả nước tính đến cuối tháng 02/2011 ước đạt 3,83 triệu thuê bao, tăng xấp xỉ 25,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nhìn chung tình hình kinh tế quý I năm 2011 tiếp tục phát triển ổn định, tạo đà tăng trưởng, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao; nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, phát triển ổn định; các hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh; xuất khẩu và thu ngân sách đều tăng; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, gia đình người có công được quan tâm; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
|
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận rằng tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế trong những tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng chưa vững chắc và còn nhiều khó khăn (GDP toàn cầu dự kiến tăng 4,5% năm 2011 so với 5% năm 2010); tình hình nợ công và thâm hụt ngân sách cao ở nhiều nước gây bất ổn vĩ mô, lạm phát gia tăng và biến động khó lường về tỷ giá giữa các ngoại tệ chủ yếu; giá lương thực, thực phẩm, dầu thô và nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng (giá dầu thô tăng lên mức trên 100 đô la/thùng, giá lương thực tăng khoảng 20-30%; lạm phát toàn cầu dự kiến tăng thêm 1-2%, trong đó các nước đang phát triển dự kiến có mức tăng giá khoảng 6%). Sự lớn mạnh lên của các nền kinh tế khu vực, nhất là Trung Quốc, tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nước ta. Thời gian gần đây, khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông đã có tác động lớn đến chính trị và kinh tế thế giới, giá dầu thô, nguyên liệu đầu vào tăng cao,đồng thời có ảnh hưởng lớn đến lao động người Việt Nam ở nước ngoài và các chương trình xuất khẩu lao động trong thời gian tới.
Mặc dù nước ta có những thuận lợi cơ bản như nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi khá nhanh sau ảnh hưởng của khủng hoảng, tình hình chính trị - xã hội ổn định, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện; Đại hội Đảng XI đã thông qua các văn kiện quan trọng xác định quan điểm, mục tiêu và những định hướng lớn phát triển đất nước trong giai đoạn mới, tạo ra sức mạnh và niềm tin mới trong nhân dân nhưng cũng đã xuất hiện những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô: (i) Tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010; (ii) Giá cả, lạm phát tăng cao; (iii) Mặt bằng lãi suất còn cao, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh; (iv) Tỷ giá chưa ổn định, giá vàng biến động mạnh; (v) Một số yếu tố đầu vào cơ bản, quan trọng cho sản xuất như xăng dầu, điện vẫn chưa được thực hiện đầy đủ theo cơ chế thị trường, Nhà nước vẫn phải bù lỗ, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh điện, xăng dầu, đồng thời không khuyến khích tiết kiệm, ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng; (vi) Thiên tai, lũ lụt năm 2010 và rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ vừa qua đã gây tổn thất lớn về vật chất và tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp./.
Quang Tùng Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|