(MPI Portal) – Trước thềm Hội nghị CG giữa kỳ, sáng ngày 27/05/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) phối hợp với Ngân hàng Thế Giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề: Vượt qua 2011 – Mục tiêu dài hạn của Việt Nam.
Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ là sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ (CG). Năm 2011, Diễn đàn có sự tham dự của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại châu Âu, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Ôxtrâylia, Hiệp hội doanh nghiệp Singapore, đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước và các cơ quan thông tấn báo chí.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau nhìn lại tổng quan về môi trường đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
|
Ông Võ Hồng Phúc - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn cộng đồng quốc tế đóng góp những ý kiến xác đáng giúp Chính phủ Việt Nam điều hành sát thực hơn, đưa nền kinh tế Việt Nam dần trở lại ổn định, lấy lại đà tăng trưởng. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Võ Hồng Phúc nêu rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2011 của Việt Nam là khoảng 7,5%. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua hàng loạt thử thách, khó khăn. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về những giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ trưởng mong muốn cộng đồng quốc tế đóng góp những ý kiến xác đáng giúp Chính phủ Việt Nam điều hành sát thực hơn, đưa nền kinh tế Việt Nam dần trở lại ổn định, lấy lại đà tăng trưởng.
Các Hiệp hội Doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đưa ra những cảm nhận về Môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, 5 lĩnh vực mấu chốt có ý nghĩa quan trọng trong năm 2011 của Việt Nam được ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu ra là: Hoàn thiện khuôn khổ quy định cho nhà đầu tư; Bảo hộ và tăng cường thi hành luật pháp hiệu quả hơn nữa đối với quyền sở hữu trí tuệ; Nâng cao kỹ năng chuyên môn và năng suất lao động của lực lượng lao động Việt Nam; Nâng cao cơ sở hạ tầng và nguồn cung ứng năng lượng của Việt Nam.
Theo ông Alain Cany, để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần thay đổi cấu trúc để nâng cao hơn nữa hiệu quả của nền kinh tế trong dài hạn, đó là nhiệm vụ phải được ưu tiên trong chương trình nghị sự của Việt Nam, ví dụ như việc tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Ông Alain Cany khẳng định đã và đang nỗ lực để nâng cao hình ảnh Việt Nam. Việt Nam là điểm đến về thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp châu Âu. Mối quan hệ ổn định giữa EU và Việt Nam ngày càng được tăng cường trong những năm vừa qua, đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007.
|
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ 2011. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Cũng tại Diễn đàn, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã chia sẻ các vấn đề về ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật. AmCham hi vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có nhiều hành động hơn nữa để cải thiện và nâng cao kỹ thuật cho lực lượng lao động. Bên cạch đó, AmCham cũng quan tâm đến những rào cản thương mại và kiểm soát giá; Tính minh bạch, quản trị nhà nước và cải cách doanh nghiệp nhà nước; Cải cách thủ tục hành chính.
AmCham tin rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ được cải thiện tốt nhất thông qua những hành động giúp tăng năng suất, giảm chi phí và rủi ro kinh doanh. Chính phủ cần đảm bảo sự cân bằng, cẩn trọng về kinh tế ngắn hạn và hỗ trợ tăng trưởng dài hạn thông qua việc duy trì một môi trường đầu tư hấp dẫn và tích cực cho doanh nghiệp.
Phòng Thương mại Ôxtrâylia (AusCham) đã chia sẻ với các đại biểu về giáo dục và đào tạo, thuế và khai khoáng mỏ là những lĩnh vực mà Ôxtrâylia có thế mạnh. Cộng đồng doanh nghiệp Ôxtrâylia, thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp Ôxtrâylia tại Việt Nam, sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc sử dụng tiềm năng kinh tế.
Thay mặt các nhà đầu tư, ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore, mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục cung cấp các ưu đãi thuế đối với ngành công nghiệp sản xuất chung và công nghiệp thấp – trung bình, xét đến sự cạnh tranh từ các nước láng giềng như Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ.Hiệp hội hoan nghênh những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm cắt giảm và tinh giản thủ tục hành chính. Việc cắt giảm thủ tục hành chính được trông đợi sẽ mang lại một nền kinh tế hiệu quả và năng động. Ông cũng đánh giá cao việc Chính phủ đang đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề lạm phát, việc mất giá của đồng tiền và sự mất cân bằng cán cân thương mại.
Diễn đàn doanh nghiệp lần này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đại diện của Chính phủ đã có những giải pháp cho các nhóm công tác tại nhiều lĩnh vực như: Cơ sở hạ tầng, giáo dục; sản xuất và phân phối và Thuế; du lịch. Những đóng góp về hệ thống pháp luật, tình hình thực hiện chương trình hợp tác thí điểm PPP, những kiến nghị về thị trường vốn sẽ được Chính phủ tiếp thu và phục vụ cho công tác hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư