(MPI Portal) – Chiều ngày 20/08/2010, Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 16 với chủ đề: “Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong Thập kỷ mới: Những lĩnh vực hợp tác mới” đã kết thúc với Tuyên bố chung của các Bộ trưởng.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các Bộ trưởng đã cùng nhìn lại sự tiến bộ trên các lĩnh vực hợp tác khác nhau và thảo luận cơ hội để tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội hơn nữa. Năm 2010, Chương trình GMS đã đi được một nửa chặng đường trong việc thực hiện Kế hoạch hành động Viêng Chăn vì sự phát triển GMS giai đoạn 2008-2012. Kế hoạch này đã được các nhà lãnh đạo GMS thông qua vào tháng 3/2008.
Chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mekong đã chú trọng vào việc nâng cao liên kết giữa các nước trong Tiểu khu vực thông qua phát triển hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng nhằm khuyến khích thương mại và đầu tư. Tuyên bố chung của các Bộ trưởng đưa ra các vấn đề như:
Để chuyển đổi các Hành lang giao thông sang Hành hành lang kinh tế chính thức cần phải cải thiện giao thông và tạo thuận lợi cho thương mại trong Tiểu vùng GMS. Các Bộ trưởng đã thông qua Chương trình hành động hỗ trợ thương mại và giao thông (TTF). Hầu hết các Hành lang giao thông, vốn là các liên kết đường bộ trong cuối những năm 1990, nay đã hoàn thành. Một vài năm trước, chỉ có Hành lang Đông-Tây đã gần hoàn tất thì bây giờ Hành lang Bắc-Nam và Hành lang phía Nam cũng đã sắp xây dựng xong. Vấn đề đa phương tiện trong phát triển giao thông vận tải Tiểu khu vực hiện nay cũng được giải quyết rõ ràng hơn với việc các Bộ trưởng thông qua Khung chiến lược kết nối đường sắt GMS, một bước quan trọng hướng tới sự phát triển của một hệ thống tích hợp đường sắt toàn khu vực GMS.
Các nước đã cam kết thực hiện Chương trình hành động TTF, trong đó mở rộng và tăng cường trao đổi quyền giao thông, hỗ trợ phê chuẩn các phụ lục và nghị định thư về vận tải và hải quan; thúc đẩy thực hiện các hệ thống hải quan quá cảnh để áp dụng Hành lang GMS; cải thiện thủ tục và phối hợp quản lý biên giới; thắt chặt hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật đối với thương mại của Tiểu vùng. Các Bộ trưởng kêu gọi các đối tác phát triển hỗ trợ cho Chương trình Nghị sự TTF và hoan nghênh sự trợ giúp kỹ thuật của ADB cho việc thực hiện chương trình này.
Các Bộ trưởng đã xem xét lại kết quả của Diễn đàn Kinh tế Hành lang lần thứ 2 (ECF-2) diễn ra vào tháng 9/2009 tại Phnôm Pênh, một tổ chức quan trọng cho việc thúc đẩy phương pháp tiếp cận đa ngành đối với việc phát triển và chuyển đổi Hành lang GMS.
Tuyên bố chung viết: “Lần đầu tiên, Diễn đàn bao gồm một Diễn đàn đầy đủ của các nhà lãnh đạo nhằm định hướng quan điểm và nhu cầu của các tổ chức địa phương, đồng thời thắt chặt sự hợp tác giữa cơ quan trung ương với địa phương và khu vực tư nhân. Chúng tôi thông qua Chiến lược và Kế hoạch hành động cho Hành lang kinh tế phía Nam đã được trình bày và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của ECF-2. Hơn nữa, chúng tôi nhận ra rằng sự phát triển của Hành lang kinh tế GMS nói riêng và Chương trình GMS nói chung sẽ đòi hỏi vai trò ngày càng lớn của khu vực tư nhân. Diễn đàn Doanh nghiệp GMS sẽ cần phải tiếp tục mở rộng và tăng cường vai trò của mình trong việc đại diện cho quan điểm và lợi ích của các phòng thương mại và ngành công nghiệp của các nước thành viên GMS.”
Trong lĩnh vực năng lượng, Các Bộ trưởng đã thông qua một dự án mới nhằm quảng bá năng lượng tái sử dụng, nhiên liệu sạch và hiệu quả năng lượng trong GMS. Dự án này giúp cải thiện độ tin cậy và an ninh năng lượng bằng cách khai thác năng lượng tái sinh địa phương và các biện pháp bảo tồn năng lượng; đồng thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách dựa vào nguồn năng lượng sạch và giảm tỷ lệ tiêu thụ năng lượng trên GDP của các nước GMS.
Về viễn thông, các Bộ trưởng hài lòng với sự tiến bộ hơn nữa trong việc hoàn chỉnh và nâng cấp các hạng mục quốc gia thuộc Mạng lưới siêu xa lộ thông tin GMS (ISN). Những biện pháp đảm bảo sự phối hợp và gắn kết tốt hơn trong các chương trình xây dựng năng lực viễn thông, đặc biệt là trong việc duy trì một mạng lưới hiệu quả hỗ trợ việc sử dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) để đẩy nhanh tốc độ phát triển của Tiểu vùng đã được triển khai. Cần tăng cường hơn nữa giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin , xây dựng chiến lược phát triển khu vực, và thúc đẩy các dự án thí điểm công nghệ thông tin ở nông thôn.
Các Bộ trưởng đã thông qua Chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp chủ chốt (CASP) pha II, bao gồm cả giai đoạn 2011-2015. CASP II cung cấp định hướng chiến lược để giải quyết những thách thức mới xuất hiện trong phát triển nông nghiệp của GMS, đặc biệt là những thách thức liên quan đến mở rộng thương mại qua biên giới trong thực phẩm, các sản phẩm nông nghiệp và đầu tư kinh doanh nông nghiệp…
Về du lịch, quan điểm phát triển du lịch bền vững nhằm bảo vệ di sản văn hóa, tự nhiên và lịch sử của khu vực sông Mekong, giảm thiểu những tác động tiêu cực về môi trường và xã hội và đưa vùng thành điểm du lịch thống nhất đã có chỗ đứng lâu dài trong Tiểu khu vực. Các nỗ lực xúc tiến và quảng bá du lịch cũng đang được triển khai tích cực và Diễn đàn Du lịch Mekong đã khởi động trở lại vào tháng 5 năm nay.
Kế hoạch hành động và khung phát triển chiến lược nguồn nhân lực giai đoạn 2009-2012 được phê chuẩn tại Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 15 đang được thực hiện. Nhiều hoạt động trong kế hoạch hành động nhằm giải quyết hàng loạt các vấn đề về giáo dục và phát triển tay nghề, lao động và di cư, y tế và phát triển xã hội tiếp tục được thực hiện với sự hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật từ ADB và các đối tác phát triển khác.
Các Bộ trưởng đánh giá cao những lợi ích của việc áp dụng kế hoạch phát triển sinh thái khu vực, trong đó bao gồm báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, các sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học và đánh giá hoạt động môi trường đã được kiểm định và ứng dụng nhằm cải thiện năng lực quản lý môi trường trong khu vực GMS và đạt được những mục tiêu giảm nghèo quốc gia và Tiểu vùng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển nông thôn. Hội nghị cũng thông qua các đường lối chiến lược - bảo tồn đa dạng sinh học và giảm nghèo; biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực; và quản lý môi trường nông thôn - trong quá trình soạn thảo khung CEP-BCI II và kế hoạch chuẩn bị.
Hướng tới Khung chiến lược dài hạn GMS mới, Chương trình GMS tiếp tục nâng cao tính hiệu quả và phù hợp bằng cách tận dụng sự bổ trợ từ các sáng kiến hợp tác khác trong khu vực, bao gồm ASEAN và ASEAN +3. Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN cũng đã có hiệu lực trong năm nay và các thỏa thuận khung được ký kết hoặc đang trong quá trình thương lượng giữa ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Tuyên bố cho rằng những xu hướng mới nổi tại các quốc gia thành viên GMS cần được xem xét trong bối cảnh hợp tác khu vực trung hạn, bao gồm quy mô và tốc độ tăng dân số sẽ dẫn tới tình trạng dân số già đi ở một vài nước, và di cư ồ ạt từ khu vực nông thôn ra thành thị và giữa các quốc gia. Việc quản lý một cách hiệu quả nguồn kiều hối cũng sẽ đóng góp vào nỗ lực phát triển kinh tế. Hiện nay, những vấn đề liên quan đến nhau đòi hỏi sự chú ý trong trung hạn là: an ninh lương thực, cung cấp năng lượng đầy đủ và hiệu quả, biến đổi khí hậu và môi trường.
Các Bộ trưởng nêu rõ, cam kết của các nước GMS và các bên liên quan là chìa khóa để thực hiện thành công Khung chiến lược mới nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra./
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư