Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/05/2010-16:10:00 PM
Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc
Kinh tế thành phố đang phục hồi nhanh, tốc độ tăng trưởng đã bằng thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế, ước 6 tháng đầu năm nay GDP trên địa bàn tăng trưởng trên 11%.

Chợ Bến Thành, TP Hồ Chí Minh

Phát biểu tại cuộc họp bàn về tình hình kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/5, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết trong tháng tới, thành phố sẽ tăng cường kiểm soát giá cả, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, bình ổn giá cả, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
Bình ổn giá là nền tảng phát triển
Bước sang năm 2010, nhằm ngăn chặn lạm phát và đảm bảo mức tăng trưởng, UBNDthành phốđã sớm đưa ra 5 biện pháp bình ổn giá, gồm: Các doanh nghiệp trên địa bàn phải tạo nguồn cung ổn định các mặt hàng thiết yếu; Sở Công Thương hoàn chỉnh đề án phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; các quận, huyện tạo điều kiện cho nhà đầu tư mở siêu thị, trung tâm thương mại; đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách linh hoạt để bố trí vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và nông nghiệp.
Với 5 biện pháp đồng bộ trên, trong những tháng đầu năm 2010, nhất là trong dịp Tết nguyên đán, thị trường TP HCM đã có sự ổn định, giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động.
Để tiếp tục kiềm chế lạm phát và ổn định giá cả các mặt hàng, TP. HCM vừa quyết định rót gần 300 tỷ đồng để thực hiện đề án bình ổn giá 6 tháng cuối năm (1/6-31/12). Theo đó, có 8 nhóm mặt hàng thiết yếu bao gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ được thành phố tập trung bình ổn giá.
Các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia đề án này sẽ được vay vốn ưu đãi, không bị tính lãi suất, không cần thế chấp tài sản trong thời gian 6 tháng kể từ ngày giải ngân.
Đổi lại, các doanh nghiệp này phải cam kết về chất lượng và số lượng sản phẩm trên cơ sở cân đối chỉ số cung cầu, giá bán phải thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất 10% và phải có đăng ký chốt giá bán trước khi tung ra thị trường.
Với đề án này, TP.HCM dự kiến sẽ bình ổn được khoảng 20% hàng hóa tiêu dùng hàng tháng của người dân sống trên địa bàn thành phố.
Sản xuất phục hồi và tăng trưởng mạnh
Khi thị trường giữ được bình ổn thì cả sản xuất và tiêu dùng đều có điều kiện thuận lợi để phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ hàng hóa dịch vụ 5 tháng đầu năm đều tăng cao, nhiều chỉ số đã đạt được 1/2 kế hoạch năm. Nhiều chỉ tiêu vượt cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 đạt 47.330 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước, tính chung 5 tháng đạt gần 221.250 tỷ đồng, tăng 13,8% - trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 3,4%. Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ thông tin tăng đến 59%.
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng 15,8%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn được gần 65.000 tỷ đồng, đạt 44,6% dự toán cả năm và tăng 27,2% so với cùng thời gian này năm trước.
Về nông nghiệp, tổng sản lượng thủy sản trong tháng đạt gần 2.800 tấn, tăng gần 40%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nếu loại trừ mặt hàng vàng thì vẫn tăng 19,3%.
Dấu hiệu kinh tế phục hồi còn thể hiện ở con số tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 5 tăng thêm 2,3% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 145.600 tỷ đồng, tăng 34% (trong khi cùng kỳ chỉ tăng 17,8%). Nếu loại trừ biến động giá, tỷ lệ tăng đạt 22% (cùng kỳ chỉ tăng 5,5%).
Trong 5 tháng qua, lượng khách quốc tế đến thành phố đạt hơn 1,3 triệu lượt người, tăng 10%, doanh thu du lịch có mức tăng đến 41,4%.
Chủ tịch UBNDTP Lê Hoàng Quân đánh giá, đây là tín hiệu rất đáng mừng, chứng tỏ công nghiệp TP đã có những chuyển dịch và thu được kết quả rõ rệt, các ngành công nghiệp chủ lực và công nghệ cao đã có những bước tiến triển tốt.
Công Trí
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1046
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)