Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/08/2010-13:50:00 PM
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc chủ trì Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng

(MPI Portal) – Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhiệt liệt chào mừng các vị Bộ trưởng, Trưởng đoàn đại diện các nước, các nhà tài trợ cho Chương trình Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng, đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các cơ quan, tổ chức trong và ngoài khu vực đã đến tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và thông qua các chiến lược, lộ trình và chương trình hành động, qua đó xác định những nhiệm vụ hợp tác trong nhiều lĩnh vực và khu vực ưu tiên tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Hội nghị cũng rà soát và tiếp tục hướng dẫn chuẩn bị chiến lược dài hạn tiếp theo cho Tiểu vùng sông Mekong. Hội nghị cũng thảo luận để đưa ra các biện pháp nhằm củng cố cơ sở hạ tầng vật chất, chính thức hoá các giao dịch và chi phí giao thông xuyên biên giới, cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng nêu rõ:
Hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng đã trải qua 18 năm kể từ ngày được ADB khởi xướng vào năm 1992. Trong 18 năm qua, với sự cố gắng của tất cả các nước GMS, cùng với sự giúp đỡ của ADB và các nhà tài trợ, đồng thời chúng ta đã tận dụng được các cơ hội tốt của quá trình hội nhập kinh tế thế giới, nhờ đó chúng ta đã vượt qua biết bao khó khăn, thách thức để đi đến thành công.
Chúng ta đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ trong sáng kiến hợp tác này, với các bước tiến rõ rệt của hợp tác GMS ở nhiều khía cạnh. Hợp tác kinh tế GMS đã hình thành và vận hành có hiệu quả thể chế hợp tác Tiểu vùng GMS. Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế GMS thu hút được một khối lượng vốn nhiều hơn bất cứ sáng kiến hợp tác khu vực nào được đưa ra và thực hiện trong cùng thời điểm và địa bàn GMS.
Các bước tiến triển trong Hợp tác ngành trong GMS trong nhiều năm qua cũng diễn ra tốt đẹp thông qua những nét nổi bật như:
Hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải đã góp phần làm giảm thời gian đi lại trong GMS khi các tuyến đường được nâng cấp; làm cho thương mại giữa các nước tăng lên; và có tác động lan tỏa ở quy mô dự án, quy mô quốc gia và quy mô khu vực.
Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng đã đạt được nhiều thành công như đã tạo điều kiện xuất khẩu điện từ Lào sang Thái Lan để tối đa hóa nguồn lực Tiểu vùng (tận dụng được lợi ích về quy mô, tiếp cận thị trường).
Hợp tác trong lĩnh vực môi trường là đã phối hợp được sự hỗ trợ của nhà tài trợ và đầu tư của khu vực phi chính phủ; đưa ra được các phương pháp lập kế hoạch môi trường.
Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đã chuẩn bị được khung khổ chiến lược nông nghiệp tạo điều kiện cho các hoạt động nông nghiệp Tiểu vùng phát triển.
Hợp tác trong lĩnh vực du lịch đã giành được tính tự chủ lớn hơn cho du lịch Tiểu vùng thông qua việc hình thành, cấp vốn và vận hành Cơ quan điều phối du lịch Tiểu vùng; hợp tác du lịch GMS tạo điều kiện phát triển cơ sở tiếp thị Tiểu vùng thành một tụ điểm du lịch và phát triển thành công mạng lưới du lịch Tiểu vùng GMS.
Hợp tác trong đầu tư tư nhân đã làm tăng sự tham gia của khu vực tư nhân vào các sáng kiến Tiểu vùng Mekong mở rộng.
Các hoạt động tạo thuận lợi cho thương mại Tiểu vùng được triển khai tích cực. Thương mại GMS tăng lên đã thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng trưởng giao dịch hàng hóa nội vùng GMS và tăng trưởng xuất nhập khẩu với các khu vực khác trên thế giới.
Hợp tác phát triển nguồn nhân lực đã đào tạo được nhiều cán bộ ở chuẩn mực cao và đào tạo cán bộ trong lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của các quốc gia GMS; tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực y tế giúp cho việc kiểm soát bệnh lây lan bắt đầu được thực hiện tốt hơn.
Tuy đạt được các thành quả trên, Hợp tác kinh tế GMS còn phải vượt qua nhiều thách thức đặt ra trước chúng ta như:
Thứ nhất, xuất phát điểm về phát triển của các nước GMS còn thấp, tỷ lệ người nghèo còn cao, các chỉ số phát triển của các nước GMS còn thấp.
Thứ hai, Hợp tác kinh tế GMS có nhiều chương trình, dự án đã xác định, trong khi nguồn vốn tự có còn có hạn không đủ để duy trì thành quả và đầu tư phát triển theo chiều rộng và chiều sâu.
Thứ ba, việc thực hiện chiến lược hợp tác Kết nối, Cạnh tranh, và Cộng đồng (3C) trong hợp tác GMS trong bối cảnh nền kinh tế các nước GMS còn phổ biến là các nền kinh tế chậm phát triển (Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam) hoặc phát triển ở mức trung bình của thế giới (Thái Lan, Trung Quốc), pháp luật của các nước còn rất khác nhau.
Thứ tư, pháp luật của các nước còn rất khác nhau, việc bảo đảm có môi trường chính trị ổn định, không có mâu thuẫn lớn, môi trường kinh tế vĩ mô bền vững là một thách thức không nhỏ đối với các nước GMS trong bối cảnh hiện nay.
Để khắc phục những khó khăn nảy sinh trong hợp tác GMS, các nước GMS đã, đang và tiếp tục phối hợp và điều chỉnh chính sách hợp tác ở tầm vĩ mô và được thể hiện qua các văn bản hoặc thỏa thuận giữa các nước GMS như các Tuyên bố chung của các nguyên thủ quốc gia các nước GMS tại các Hội nghị thượng đỉnh GMS, các thỏa thuận đạt được tại các Hội nghị Bộ trưởng GMS, Chiến lược hợp tác 10 năm 1992 – 2002 của GMS; Chiến lược hợp tác 3C, các nguyên tắc, cơ chế và cơ cấu tổ chức của hợp tác GMS; các Hiệp định hợp tác cùng các phụ lục và nghị định thư được các bên tham gia ký kết; và các điều ước quốc tế khác mà các bên tham gia ký kết và triển khai thực hiện v.v.
Bộ trưởng hy vọng với tinh thần hợp tác cao, kiên trì với các mục tiêu của hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong, cùng với sự hỗ trợ bền bỉ của ADB và các nhà tài trợ, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn và sẽ thành công trong chặng đường phát triển hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng trong thập kỷ tới./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1112
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)