Ngày 24/03/2011-13:16:00 PM
(MPI Portal) - Trong khuôn khổ chương trình tổng kết đánh giá 20 năm phát triển khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT), sáng ngày 24/03, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo bảo vệ môi trường KCN, KCX, KKT ven biển dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá về cơ chế, chính sách hiện hành, việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường phát triển KCN, KCX, KKT cũng như các hạn chế, vướng mắc trong thực thi, tình hình xử lý các chất thải tại các KCN, KCX, KKT ven biển.
|
Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư cho biết, tính đến nay cả nước đã có173 KCN, KCX đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 43.718 ha, có 105 KCN xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải, còn lại đang trong giai đoạn xây dựng và giải phóng mặt bằng. So với những năm đầu của kế hoạch 5 năm 2006-2011, tỷ lệ các KCN có công trình xử lý nước thải tập trung được vận hành tăng lên đáng kể. Dự kiến kế hoạch 5 năm 2011-2015 100% các KCN đã đi vào hoạt động phải có công trình xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Bên cạnh đó, ngoài việc tăng về số lượng KCN xây dựng và vận hành công trình xử lý nước thải tập trung, thì ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCN cũng đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã trình bày những tham luận, giải pháp nhằm bảo vệ môi trường các KCN, KCX, KKT ven biển. Cần phải có những biện pháp xử lý nước thải, khí thải, chất thải nguy hại và chất thải rắn để không gây nguy hại đến môi trường. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đảm bảo hiệu quả công tác bảo vệ môi trường các KCN, KCX, KKT ven biển trong thời gian tới cần phải có những giải pháp như: Về công tác quy hoạch, các địa phương cần rà soát, quy hoạch các KCN, KCX, KKT đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Về thu hút đầu tư, phải theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi bố trí nhà máy, xây dựng phương án bảo vệ môi trường; Về cơ chế, chính sách, cần phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh phù hợp với hiện hành, cần phân cấp và phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể theo hướng tổ chức quản lý tập trung; Về pháp luật môi trường, cần rà soát, bổ sung và tiếp tục điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về môi trường; Về huy độngcác nguồn vốn đầu tư cho các công trình môi trường gồm vốn doanh nghiệp phát triển hạ tầng, vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng, vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước, cần tăng cường thanh, kiểm tra trong việc thi hành pháp luật về môi trường trong các KCN, KCX, KKT, cần chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN, KCX, KKT, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và công tác bảo vệ môi trường các KCN.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Trong quá trình phát triển, các KCN, KCX, KKT ven biển đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đã và đang là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, tăng khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2008, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN đạt 33,2 tỷ USD (chiếm 38% GDP của cả nước); giá trị xuất khẩu của các KCN liên tục tăng trong những năm gần đây (năm 2006 đạt khoảng 8 tỷ USD, năm 2007 đạt khoảng 10,8 tỷ USD, năm 2008 đạt khoảng 16,2 tỷ USD) và chiếm tỷ trọng khoảng 25,8% trong tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Đồngthời việc phát triển KCN đã góp phần thúc đẩy các cơ sở sản xuất và dịch vụ cùng phát triển, làm cơ sở cho việc phát triển các đô thị công nghiệp, phân bổ hợp lý lực lượng sản xuất.
Sau 20 năm phát triển, KCN, KCX, KKT ven biển đã có những thay đổi cả chất và lượng, do đó đòi hỏi công tác bảo vệ môi trường phải được đánh giá, nghiên cứu toàn diện để xây dựng cơ chế, chính sách và đề ra những giải pháp thích hợp, đảm bảo phát triển bền vững các KCN, hạn chế tiêu cực đến môi trường xung quanh./.
Tính đến cuối năm 2010, cả nước đã có 260 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 71.394 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt trên 45.854 ha, chiếm khoảng 65% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 173 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 43.718 ha và 88 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 27.405 ha. Các KCN được phân bổ trên 57 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở 3 vùng kinh tế trọng điểm: trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung nhiều KCN nhất với 124 KCN, chiếm gần 48% tổng số KCN trên cả nước; vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có 52 KCN, chiếm 20% tổng số KCN trên cả nước; và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 23 KCN, chiếm xấp xỉ 10% tổng số KCN trên cả nước.
Trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định đồng ý bổ sung thêm 02 KKT vào Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến 2020 là: KKT Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị và KKT Thái Bình, tỉnh Thái Bình nâng tổng số KKT trong Quy hoạch phát triển KKT của cả nước đến năm 2020 theo Quyết định 1353/QĐ-TTg ngày 23/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ lên 17 KKT, bao gồm 3 KKT ở vùng Đồng bằng sông Hồng là: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Đình Vũ – Cát Hải (thành phố Hải Phòng), Thái Bình (tỉnh Thái Bình); 11 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung là Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An (tỉnh Nghệ An), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Hòn La (tỉnh Quảng Bình), Đông Nam Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), Chân Mây-Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Nhơn Hội (tỉnh Bình Định), Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên); và 2 KKT ở miền Nam là KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (tỉnh Kiên Giang) và Định An (tỉnh Trà Vinh).
Theo dự báo, năm 2011, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có chuyển biến theo hướng tích cực, tình hình FDI trên thế giới dự báo sôi động hơn, dự kiến các KCN sẽ thu hút được thêm khoảng 4,5-5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 18-20 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng số dự án trong KCN đến cuối năm 2011 đạt 8.900 dự án, trong đó có 4.100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 4.800 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 56-58 tỷ USD và 400 ngàn tỷ đồng.
(Nguồn: Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
|
Tùng Linh Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|