Việc công bố các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô gần đây của Việt Nam là một bước quan trọng đúng hướng để khôi phục lại hình ảnh của một trong những điểm hấp dẫn đầu tư nhất trong khu vực - Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá.
|
WB đánh giá kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi nhanh chóng từ cuộc khủng hoảng toàn cầu
|
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương của WB công bố ngày 21/3 đã nhìn nhận như vậy về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam.
Theo WB, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi nhanh chóng từ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Sự hồi phục nhanh chóng này xuất phát từ nhu cầu trong nước mạnh, đầu tư nước ngoài cao hơn và sự hồi sinh mạnh mẽ của xuất khẩu.
WB dự báo, các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô có thể sẽ làm chậm tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng sẽ giúp Việt Nam đạt được tiềm năng tăng trưởng của mình trong trung hạn. Các biện pháp này đã được Chính phủ thảo luận, tranh luận rộng rãi và nhận được sự ủng hộ của các bộ ngành,địa phương trong cả nước.
WB đánh giá, các thị trường tài chính quốc tế cũng đã có phản ứng thuận lợi trước những biện pháp này, cụ thể là mức rủi ro của trái phiếu ngoại tệ do Chính phủ Việt Nam phát hành đã có cải thiện. Điều này cũng dự báo tốt cho thành công của các biện pháp này.
WB cho rằng, trong khi Việt Nam vẫn phải đối phó với nhiều thách thức lớn trong vài tháng tới, song lạm phát cơ bản sẽ giảm dần khi triển khai các chính sách thắt chặt tiền tệ và tài chính. Tỉ lệ lạm phát cơ bản giảm và ở mức ổn định, cùng với sự cân bằng được cải thiện của thị trường quốc tế sẽ dần dần sẽ giúp bình ổn thị trường ngoại hối.
Với điều chỉnh ngân sách năm 2011 và Nghị quyết 11 mới đây, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm tiếp tục củng cố các tài khoản tài chính và dần dần giảm bớt thâm hụt ngân sách. Nợ công của Việt Nam vẫn sẽ bền vững nếu duy trì được đà phục hồi kinh tế hiện nay và Chính phủ Việt Nam có lộ trình giảm thâm hụt tài chính.
Đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam
Đánh giá của WB cũng trùng hợp với các nhận định gần đây của các nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế nước ngoài, các tổ chức quốc tế về việc Chính phủ Việt Nam áp dụng 6 nhóm giải pháp chủ yếu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda đánh giá Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 với một gói kích thích kinh tế. Mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2010 cũng là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình lạm phát tăng nhanh. Ông Haruhiko Kuroda cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam đưa ra gói chính sách gồm 6 giải pháp chủ yếu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là rất phù hợp.
“Tôi đánh giá rất cao quyết tâm của Việt Nam trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô”, ông nói.
Cùng quan điểm, Ngân hàng Anh HSBC mới đây cũng đưa ra những nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam và cho rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ chuyển biến theo chiều hướng tốt trong năm nay.
Tờ “Thời báo Tài chính” dẫn báo cáo của nhà kinh tế Sherman Chan của HSBC đánh giá những biện pháp gần đây, như việc giảm giá mạnh tiền đồng, tăng lãi suất cho vay liên ngân hàng, hạ thấp mục tiêu tăng trưởng tín dụng và giảm chi tiêu công, cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết mất cân bằng kinh tế cơ bản.
Theo các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế nước ngoài, với việc phân tích đánh giá tình hình kinh tế trong nước và thế giới một cách khoa học, cộng với việc tranh thủ các ý kiến tư vấn, sự giúp đỡ dưới nhiều hình thức của các quốc gia khác, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, Việt Nam sẽ cải thiện sự ổn định kinh tế và tiến tới tăng trưởng ổn định trong thời gian tới./.
Thu Hà
Cổng thông tin điện tử Chính phủ