Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/10/2010-07:56:00 AM
Kết thúc ASEAN-BIS 2010: Đối thoại với đối tác chiến lược
(MPI Portal) - Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17, lần đầu tiên ASEAN tổ chức phiên đối thoại giữa lãnh đạo doanh nghiệp nội khối với 7 nước đối tác chiến lược gồm Hàn Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand, Australia.
ASEAN đã tham gia rất nhiều lĩnh vực hợp tác các nước đối tác tham gia đối thoại như lĩnh vực hàng hoá, đầu tư, dịch vụ. Phiên đối thoại nhằm giúp các doanh nghiệp ASEAN và các nước tham gia đối thoại có thêm những hiểu biết về triển vọng, tiềm năng có thể đuợc khai thác và các thành quả hợp tác đã đạt đượctrong thời gian qua.
Đối thoại ASEAN-Australia-New Zealand
Hiệp định thành lập khu mậu dịch tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/1/2010. AANZFTA có sự tham gia của 12 nền kinh tế với hơn 600 triệu dân và và tổng GDP lên tới 2,7 tỷ USD. Ngay trong giai đoạn đầu triển khai Hiệp định, 90% hàng hóa giao dịch giữa các nước ASEAN và Australia, New Zealand được miễn giảm thuế.
Đại diện tham gia đối thoại ASEAN-Australia-New Zealand đã khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác để thực hiện hiệu quả AANZFTA và hy vọnglà đối tác thuơng mại lâu dài của ASEAN.
Đối thoại ASEAN - Trung Quốc
Hiệp định thành lập khu mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đã hoàn toàn có hiệu lực từ 01/1/2010. Đây chính là khu vực mậu dịch tự do lớn thứ 3 thế giới. Kể từ khi ACFTA ra đời, hoạt động thương mại đã tăng lên tới 26%/ năm, các hoạt động thương mại ASEAN-Trung Quốc tăng lên gấp 3 lần, từ 59.6 tỷ USD (2003) lên tới 192.5 tỷ USD năm 2008. Thị phần hoạt động thương mạivới Trung Quốc của ASEAN tăng 4.2 % năm 2005 và lên tới 11.3% năm 2008.
Đại diện các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đối thoại. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
ASEAN và Trung Quốc là đối tác lớn và quan trọng của nhau, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 của ASEAN và ASEAN là thị trường thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc. Tổng thương mại hai bên tínhđến năm 2009 đạt 213 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2010 đạt 184.5 tỷ USD. Tổng đầu tư hai chiều tính đến tháng 6/2010 đạt 69.4 tỷ USD. Quan hệ kinh doanh hai bên hiện đang rất tốt đẹp. Thị trường lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực là Malaysia, tiếp đến là Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Đầu tư hai chiều đang tiếp tục tăng cao, tính đến năm 2009 đầu tư từ ASEAN sang Trung Quốc gần 4.7 tỷ USD và từ Trung Quốc sang khu vực này là 3 tỷ USD.Tổng mức đầu tư tính đến 6 tháng đầu năm 2010 là 69.4 tỷ USD.
Các nhà kinh tế Trung Quốc tham gia đối thoại đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thương mại kinh doanh của khu vực và tin tưởng rằng trong thời gian tới khu vực này sẽ trở thành khu vực tự do lớn và phát triển nhất.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại sự thiếu nhận thức trong cộng đồng kinh doanh hai bên. Vì vậy cần đưa ra những cơ hội đối thoại và tăng cường trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp hai bên, quảng bá những lợi ích mà ACFTA sẽ mang lại, khuyến khích mở của thị trường hơn nữa hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối thoại ASEAN - Ấn Độ
Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN - Ấn Độ đã đựơc ký kết tại Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 41 vào ngày 13/8/2009 và có hiệu lực từ tháng 1 năm 2010.Hoạt động thương mại song phương đặt mục tiêu là 70 tỷ USD trong vòng hai năm tới. Các nhà lãnh đạo tham gia đối thoại đã khuyến khích việc khôi phục lại hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp ASEAN-Ấn Độ và Hội nghị thượng đỉnh các doanh nghiệp ASEAN-Ấn Độnhằm củng cố mạng lưới doanh nghiệp hai bên và mở rộng cơ hội kinh doanh mới.
Đoàn đại biểu Ấn Độ tại phiên đối thoại. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Nền kinh tế Ấn Độ đa dạng bao gồm các lĩnh vực: Công nghệ thông tin và viễn thông, du lịch, dịch vụ, y tế. Vì vậy, qua diễn đàn này các nhà doanh nghiệp mong muốn được đầu tư những thế mạnh của mình vào khu vực ASEAN.
Đối thoại ASEAN- Nhật Bản
Trong những năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng của ASEAN, quan hệ hai bên đã không ngừng phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục. Nhật Bản đã và đang là đối tác hàng đầu của nhiều nước khu vực ASEAN về thương mại, đầu tư và viện trợ phát triển chính thức.
Hiệp định khung về Hợp tác phát triển kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản đã được ký vào ngày 10/8/2003. Tại phiên đối thoại lần này các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đều khuyến khích đóng góp xây dựng một kế hoạch tổng thế về kết nối ASEAN vào một quỹ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước ASEAN. Các dự án về Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia (CLV) đã bắt đầu được triển khai và những tiến bộ đạt được trong quá trình phát triển dự án đã giúp nâng cao hiệu quả hệ thống phân phối và Hành lang kinh tế phía Nam. Hợp tác năng lượng hiệu quả cũng như phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới cũng đang được các doanh nghiệp hai bên tiến hành.
Bà Nguyễn Thị Nga, đại diện phía doanh nghiệp Việt Nam phát biểu tại phiên đối thoại ASEAN - Nhật Bản. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Phát biểu tại phiên đối thoại ASEAN- Nhật Bản bà Nguyễn Thị Nga, đại diện phía doanh nghiệp Việt Nam cho biết tính đến năm 2009, Tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Nhật Bản đạt 160.9 tỷ USD và vốn đầu tư của Nhật Bản và ASEAN là 5.3 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2008 và chiếm 13.4% tổng vốn đầu tư vào ASEAN năm 2009. Hiệnnay, Nhật Bản là nước thực hiện tốt cam kết tăng cường quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản, thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN.
Đối thoại giữa ASEAN - Hàn Quốc
ASEAN và Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện những hiệp định thương mại, hàng hoá, đầu tư và dịch vụ dựa trên Hiệp định khung về hợp tác phát triển kinh tế giữa ASEAN và Hàn Quốc. Kế từ khi Hiệp định có hiệu lực, tổng giá trị của các hoạt động thương mại giữa hai bên đã lên tới gần 96 tỷ USD năm 2009 và theo mục tiêu hai bên đề ra là 150 tỷ USD vào năm 2015.
Đại diện phía doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia đối thoại. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Tại phiên đối thoại lần này các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã khẳng định rằng quan hệ hợp tác và đầu tư thương mại Việt Nam - Hàn Quốc không ngừng phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc luôn duy trì mức tăng trưởng cao. Năm 2009 đạt hơn 9 tỷ USD; dự kiến tăng lên 20 tỷ USD vào năm 2015. Hàn Quốc hiện là một trong ba quốc gia và vùng lãnh thổ có mức đầu tư cao nhất vào Việt Nam.
Kết thúc các phiên đối thoại, bà Đặng Thị Hoàng Yến, đồng chủ tịch Hội nghị Thương mại và Đầu tư ASEAN 2010 (ASEAN-BIS 2010) đã có bài phát biểu bế mạc ASEAN-BIS 2010. Bà nhấn mạnh rằng các thành viên của khu vực ASEAN đã rất cố gắng để tạo nên một khu vực kinh tế đầy tiềm năng cho các nước đối tác. Bằng chứng là các thành viên khu vực đã vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 bằng việc tăng trưởng GDP đạt mức 4,5% và tăng trưởng 1,5% trong năm 2009. Các nước ASEAN đã cố gắng vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế rất tốt. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự đoán mức tăng trưởng của các nước ASEAN sẽ đạt 6,7% trong thời gian tới./.
Tùng Linh - Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1533
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)