(MPI Portal) - Sáng 28/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức buổi Hội thảo tham vấn ý kiến các Bộ, ngành và các nhà tài trợ quốc tế về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 131/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/11/2006 ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Bản dự thảo sửa đổi của Nghị định này sẽ là cơ sở tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động đầu tư theo nguồn vốn ODA.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 131 tập trung vào các nội dung chính sau: Mở rộng phạm vi các khoản vay và tài trợ; Xây dựng cơ chế cho phép tư nhân tiếp cận nguồn vốn ODA và các khoản vay tài trợ khác nhằm thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên của Chính phủ; Cải tiến quy trình xây dựng, tổng hợp và phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ đảm bảo tính khả thi cao; Đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đối với các chương trình, dự án ODA và các nguồn vốn vay khác…
Về thủ tục và quản lý các dự án ODA
Đại diện cho nhóm 6 ngân hàng bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank) cho rằng, cần đơn giản hóa đề cương chi tiết của dự án.Đề cương chi tiết là giai đoạn đầu thiết kế để biết dự án có phù hợp với đầu tư ODA hay không, từ đó xác định được chắc chắn chủ đầu tư có thể đầu tư hay không. Dự thảo cũng cần xác định rõ cơ quan có trách nhiệm phê chuẩn đối với việc sửa đổi liên quan dự án, chương trình.Tuy có đề cập tới nội dung này, bản dự thảo chưa nêu cụ thể và phân cấp rõ ràng về vai trò điều chỉnh điều khoản dự án của Bộ chủ quản và của Chính phủ. Việc không rõ ràng trong quy định này sẽ ảnh hưởng tới tính liên tục và tốc độ giải ngân của dự án.
Đồng tình về việc sửa đội nội dung này, đại biểu từ Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính nhận định, cách xây dựng danh mục dự án tài trợ còn nhiều bất cập, đối tượng triển khai dự án chưa được thẩm định rõ ràng về khả năng tài chính trong giai đoạn lập đề cương chi tiết. Quá trình này chỉ được làm rõ khi dự án đã đi vào chi tiết. Điều này có thể dẫn đến tình trạng dự án đã đàm phán xong nhưng sau đó lại không đảm bảo điều kiện vay nợ. Cần tách bạch nguyên tắc, cách tiếp cận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi do sự khác nhau cơ bản nhất định của hai loại nguồn vốn này. So với vốn vay ưu đãi thì vốn ODA có chi phí cao hơn do đó nên được sử dụng vào các dự án có khả năng thu hồi vốn nhanh.
Vấn đề tiếp cận vốn vay ODA của khu vực tư nhân
Ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc cho phép doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn vốn ODA nhằm thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên của Chính phủ theo nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm, lợi ích và rủi ro với Chính phủ trong việc sử dụng nguồn vốn là cần thiết.
Một đại diện Văn phòng Chính phủ có ý kiến cho rằng dự thảo cần nêu cụ thể về danh mục doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án vốn ODA, thủ tục cần đơn giản và rõ ràng hơn, tạo điều kiện về cơ chế, thể chế cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn vay ODA.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc cho phép tư nhân tiếp cận nguồn vốn vay ODA, do các nhà tài trợ sẽ không ký kết trực tiếp với các doanh nghiệp tư nhân. Việc ký kết dự án chỉ diễn ra giữa nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam. Do đó, ban soạn thảo cần xem xét quy trình tiếp cận vốn của tư nhân, và nên thông qua các Ngân hàng, tổ chức tín dụng và các định chế tài chính nhằm cho tư nhân vay lại. Các cơ quan này sẽ đảm nhận việc thẩm định khả năng tham gia dự án của doanh nghiệp tư nhân, tránh việc Chính phủ phải chịu gánh nặng rủi ro đầu tư của tư nhân./.
Theo chương trình xây dựng Luật và văn bản pháp quy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bản dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 131/NĐ-CP sẽ chính thức được trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay./.
Phương Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư