Quan điểm chủ đạo cho Chiến lược Phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thể hiện trên 5 quan điểm chính sau:
1.Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Thống kê Việt Nam là sản xuất và phổ biến thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời và minh bạch phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
2. Tuân thủ đúng và đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê quy định trong Luật Thống kê, đồng thời phù hợp với những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thống kê nhà nước của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc đang được cơ quan thống kê các nước vận dụng có hiệu quả.
3. Đổi mới, hoàn thiện công tác thống kê theo hướng hiện đại, chất lượng và hiệu quả của cả hệ thống thống kê từ Trung ương đến địa phương. Thực hiện đồng bộ hóa, chuẩn hóa, quy trình hóa và tin học hóa tất cả các quy trình, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
4. Phát triển nhanh, bền vững với lộ trình hợp lý, có tính kế thừa; kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa yêu cầu trước mắt với mục tiêu lâu dài, giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, tạo tiền đề để tiếp tục phát triển lên trình độ mới với tầm nhìn đến năm 2030.
5. Tạo lập đầy đủ các điều kiện về cơ sở pháp lý, bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác bảo đảm tính khả thi.
Với mục tiêu tổng quát đưa Thống kê Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở hoàn thiện hệ thống tổ chức, bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng đồng bộ phương pháp thống kê tiên tiến và tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt và hiệu quả với số lượng thông tin ngày càng đầy đủ và chất lượng thông tin ngày càng cao, phục vụ việc hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phấn đấu đến năm 2020 Thống kê Việt Nam đạt trình độ khá và năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, Bản chiến lược đã đưa ra 5 giải pháp và 9 Chương trình hành động với các mục tiêu cụ thể của từng Chương trình nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra.
- Các giải pháp chủ yếu là:
1. Các giải pháp về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế phối hợp;
2. Các giải pháp về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê;
3. Các giải pháp ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông;
4. Các giải pháp về tổ chức, nhân lực;
5. Các giải pháp liên quan đến nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, truyền thông, v.v...
- Các chương trình hành động, bao gồm:
1. Chương trình hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý và cơ chế điều phối các hoạt động thống kê;
2. Chương trình tăng cường nghiên cứu, ứng dụng phương pháp luận thống kê tiên tiến và xây dựng, chuẩn hóa các quy trình thống kê theo chuẩn mực quốc tế;
3. Chương trình đổi mới, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động thu thập thông tin thống kê;
4. Chương trình đổi mới, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động xử lý, tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê;
5. Chương trình đẩy mạnh phân tích và dự báo thống kê;
6. Chương trình ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động thống kê;
7. Chương trình phát triển nhân lực làm công tác thống kê;
8. Chương trình mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê;
9. Chương trình tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thống kê.
Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan chủ trì, đầu mối thực hiện Chiến lược và quy định một số nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài chính liên quan đến bố trí kinh phí ngân sách hàng năm thực hiện Chiến lược, Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến công tác tuyên truyền về vị trí và vai trò của công tác thống kê, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến hệ thống đào tạo chuyên ngành thống kê./.