Tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam hướng tới phát triển bền vững” ngày 5/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh mong muốn và quyết tâm của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc theo đuổi, củng cố một mô hình phát triển dựa trên năng lực cạnh tranh, hướng vào chất lượng, hiệu quả và sự bền vững.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo
|
Theo Phó Thủ tướng, từ năm 1991 đến nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức cao và khá ổn định. Tuy nhiên, tăng trưởng cao chưa thực sự gắn với tăng hiệu quả kinh tế. Tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua dựa vào khai thác tài nguyên, vừa sử dụng các yếu tố môi trường là đầu vào sản xuất. Chất lượng môi trường bị xuống cấp, môi trường sinh thái, không khí, nước và đất bị ảnh hưởng. Do đó, tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường vẫn là thách thức trong thời kỳ tới.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết cùng với những biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ cũng đang khẩn trương triển khai hàng loạt các giải pháp tạo tiền đề cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời kỳ hậu khủng hoảng và những năm tiếp theo. Đó cũng chính là quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên mọi mặt, từ cấp đô vi mô đến vĩ mô.
Việt Nam sẽ công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2009-2010 thể hiện cam kết của Chính phủ thường xuyên rà soát, cập nhật các đánh giá và phân tích để điều chỉnh chính sách kịp thời.
Giám đốc Điều hành WEF Robert Greenhill đánh giá cao tiến bộ vượt bậc về phát triển kinh tế, chăm lo giáo dục, xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong những năm qua là rất thành công so với nhiều quốc gia khác. Đặc biệt việc cải thiện mạnh mẽ trong năm 2010, tăng 18 bậc xếp thứ 71 trên bảng xếp hạng 125 nền kinh tế toàn cầu về tạo sự thuận lợi và thúc đẩy thương mại, đã thể hiện những cam kết mở cửa của Việt Nam khi gia nhập WTO, quá đó giúp tăng khả năng cạnh tranh cho thị trường Việt Nam.
Phân tích về Báo cáo Năng lực canh tranh của Việt Nam 2009-2010, tiến sỹ Christian H.M. Ketels - Cố vấn đặc biệt ACI, Nghiên cứu trưởng của Học viện Chiến lược và Cạnh tranh Harvard, nhấn mạnh thế mạnh của Việt Nam phần lớn là các yếu tố truyền thống sẵn có của xã hội và hệ thống, hoặc là kết quả tự nhiên do các lực đẩy của thị trường.
Việt Nam cần một cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn để xây dựng và phát triển các tài sản và năng lực nhằm giúp quốc gia tìm được con đường và vị thế riêng trong nền kinh tế toàn cầu.
Buổi hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (ACI) và Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu Việt Nam (GCNV) tổ chức./.
Hoàng Liên Sơn
TTXVN/Vietnam+