(MPI Portal) - Ngày 21/7/2010, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tổ chức Hội nghị công bố chính thức kết quả điều tra toàn bộ và tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn
|
Theo kết quả điều tra, tính đến 0 giờ ngày 1/4/2009, tổng số dân của Việt Nam là 85.846.997 người, trong đó 42.413.143 nam và 43.433.854 nữ. Sau 10 năm dân số nước ta tăng thêm 9,523 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 952 nghìn người.Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giữa hai cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 1999 và 2009 là 1,2%/năm, so với thời kỳnăm 1989-1999, trung bình mỗi năm tăng gần 1.200 nghìn người.
Dân số khu vực thành thị nước ta năm 2009 là 25.436.896 người, chiếm 29,6%. Như vậy, thời kỳ 1999-2009, dân số thành thị đã tăng bình quân 3,4%/năm. Nguyên nhân chủ yếu do quá trình phát triển đô thị hóa và di dân. Còn khu vực nông thônchiếm 60.410.101 người. Có ba địa phương có quy mô dân số hơn ba triệu người là: thành phố Hồ Chí Minh (7,163 triệu người), thành phố Hà Nội (6,452 triệu người) và tỉnh Thanh Hóa (3,401 triệu người. Ngược lại, năm tỉnh Bắc Cạn, Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum và Đác Nông có số dân dưới 500 nghìn người.
Địa phương có tỷ lệ biết chữ cao nhất là Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh (97,9%) và thấp nhất là Lai Châu (59,4%). Các con số trên cho thấy, tỷ lệ biết chữ không những tăng khá nhanh, mà còn thể hiện những thành công của công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục của nước ta.
Theo kết quả toàn bộ cũng cho thấy, cuộc sống của người dân Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Trong những hộ có nhà ở, số hộ có nhà kiên cố chiếm 46,3%, nhà bán kiên cố chiếm 37,9%, nhà thiếu kiên cố chiếm 8,0% và nhà đơn sơ chiếm 7,8%.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2009 là bức tranh có ýnghĩa vô cùng quan trọng cho chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong những năm tới. Thủ tướng cũng đánh giá cao sự cố gắng trong việc mạnh dạn áp dụng công nghệ mới cả trong thiết kế điều tra và xử lý số liệu, cải tiến và phát triển thêm những phương tiện phục vụ công tác tập huấn và điều tra có hiệu quả. Đồng thời cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc cho cuộc Tổng điều tra và kêu gọi các cơ quan chính phủ, các địa phương, các cơ quan tài trợ quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự, các viện nghiên cứu và các cơ quan báo chí sử dụng toàn bộ kết quả của cuộc Tổng điều tra cho việc xây dựng kế hoạch phát triển của đất nước.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần làm nên thành công cho cuộc Tổng điều tra DSNO năm 2009 - Ảnh: Chinhphu.vn
|
Cuộc Tổng điều tra năm 2009 thành công trước hết là do chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, sự nỗ lực của Ban chỉ đạo các cấp, các ngành, sự ủng hộ nhiệt tình của quân và dân cả nước với sự hỗ trợ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế.
Kết quả tổng điều tra đã phản ánh đúng thành tựu phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm qua, mở ra tiềm năng to lớn để đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển ổn định./.
Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giữa hai cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 1999 và 2009 là 1,2%/năm, so với thời kỳ 10 năm trước (1989-1999), mỗi năm tăng gần 1.200 nghìn người (với tỷ lệ tăng hàng năm là 1,7%/năm).
Diện tích ở bình quân đầu người của cả nước là 16,7 mét vuông, trong đó của thành thị cao gần gấp rưỡi của nông thôn, tương ứng là 19,2 và 15,7 mét vuông. Sau 10 năm, tỷ trọng hộ có diện tích sử dụng lớn (từ 60m2 trở lên) của toàn quốc đã tăng hơn gấp đôi, từ 24,2% lên 51,5%. Đây là một thành công trong nỗ lực thực hiện chiến lược phát triển nhà ở nhằm tăng diện tích ở bình quân. Tuy nhiên, tỷ trọng hộ có nhà ở với diện tích sử dụng dưới 15 mét vuông sau 10 năm hầu như không giảm (1999: 2,2% và 2009: 2,4%).
Dân tộc Kinh có 73,594 triệu người (chiếm 85,7%) và các dân tộc còn lại có 12,253 triệu người (chiếm 14,3%). Mức tăng dân số của các dân tộc ít người cao hơn so với mức tăng bình quân của cả nước (1,6% so với 1,2%).
Sau 10 năm, tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên đã tăng 3,7 điểm phần trăm (từ 90,3% năm 1999 lên 94,0% năm 2009), tỷ lệ này của nữ tăng 4,9 điểm phần trăm trong khi của nam chỉ tăng 2,2 điểm phần trăm, làm cho chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ được thu hẹp đáng kể.
Theo kết quả của Tổng điều tra năm 2009, chỉ có chưa đến 4 triệu người chưa từng đi học, chiếm 5,0% tổng dân số 5 tuổi trở lên, giảm 5 điểm phần trăm so với con số đó của Tổng điều tra 1999 (6,9 triệu người, chiếm 10,0% dân số 5 tuổi trở lên).
|
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư