Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/07/2010-08:53:00 AM
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước châu Á

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cho biết, thể chế tài chính đa phương này đang nỗ lực “làm mới” mối quan hệ với các nước châu Á.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị cấp cao diễn vừa ra tại thành phố Daejeon (Hàn Quốc), ông Strauss-Kahn nêu rõ: “Việc IMF cải thiện quan hệ với các nước châu Á là một việc làm hữu ích, vì các nền kinh tế này là một phần ngày càng quan trọng hơn của nền kinh tế toàn cầu.”
Bằng việc tổ chức chung hội nghị hai ngày nói trên với Hàn Quốc, IMF nhấn mạnh sự chú ý của mình đối với nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giữa lúc các nền kinh tế châu Á đã thể hiện năng lực phục hồi tốt hơn so với các nền kinh tế tiên tiến.
Với chương trình nghị sự tập trung vào tương lai và vai trò hậu khủng hoảng của các nền kinh tế châu Á, Hội nghị Daejeon đã tập trung thảo luận vấn đề châu Á, làm thế nào để có thể tăng cường vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu và bằng cách nào IMF có thể hợp tác tốt hơn với khu vực trong các vấn đề còn tồn đọng.
Trong khi thừa nhận các cải cách cấu trúc mà IMF đã đặt ra cho châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997-1998 là “đau đớn,” ông Strauss-Kahn cho biết ông mong muốn cải thiện quan hệ giữa các nền kinh tế châu Á và IMF, vốn không còn “yên ấm” trong quá trình tái cơ cấu.
Bên cạnh đó, IMF cũng muốn lắng nghe xem bằng cách nào mà châu Á đã phục hồi từ khủng hoảng với một tốc độ nhanh chóng.
Chuyên gia Yv Reddy, cựu Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, cho rằng sự vững chãi về kinh tế vĩ mô, sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo, cũng như hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ là những nhân tố tạo nên đà phục hồi nhanh của châu Á.
Ông Strauss-Kahn nhấn mạnh các nước châu Á đã triển khai những chính sách “đúng đắn” trên cơ sở những gì mà họ học được từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực cách đây hơn 10 năm.
Ông cho rằng các quyết định của châu Á tác động đến nền kinh tế thế giới, trong khi các điều kiện kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng đến lập trường chính sách của từng nền kinh tế ở châu lục này.
Theo người đứng đầu IMF, với mối liên kết của châu Á và thế giới bên ngoài ngày càng trở nên khăng khít hơn thì khu vực này cũng cần phải có tiếng nói lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
Một trong những cách thể hiện vai trò lớn hơn của châu Á là kế hoạch điều chỉnh hạn ngạch của IMF, dự kiến được tiến hành vào cuối năm nay.
IMF thông báo đã quyết định chuyển 5% quyền bỏ phiếu từ các nền kinh tế tiên tiến cho các nước đang phát triển, trong đó hầu hết là ở châu Á. Theo đó, quyền bỏ phiếu của châu Á dự kiến sẽ tăng lên 7,7%.
Với sự thay đổi về cấu trúc quyền bỏ phiếu, IMF hy vọng các nước châu Á sẽ đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc thúc đẩy sự phối hợp và hợp tác khu vực.
Tuy nhiên, ông Strauss-Kahn cũng nói rằng châu Á hiện vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trên con đường phục hồi tăng trưởng. Theo ông, khu vực này cần phải mở rộng hoạt động thương mại không chỉ bên trong khu vực mà với cả các khu vực khác trên thế giới.
Theo IMF, tính dễ bị tổn thương của khu vực tài chính và sức khoẻ ngân sách cũng là thách thức đáng kể mà châu Á đang phải đối mặt, trong bối cảnh châu lục này đang nỗ lực kéo nền kinh tế thế giới đi lên.IMF nêu rõ, giữa những nguy cơ và thách thức, châu Á hiện phải thúc đẩy cái được gọi là “cỗ máy tăng trưởng thứ hai,” tức là tiêu dùng trong nước.
Trong số nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị Daejeon có vấn đề tiêu dùng trong nước được dự báo sẽ yếu hơn. Trong khi phê phán một số nước châu Á quá phụ thuộc vào xuất khẩu, ông Chin Dong-soo, người đứng đầu ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hàn Quốc, cho rằng những nước này cần phải chú ý thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Ông Strauss-Kahn cũng nhất trí với quan điểm của ông Chin khi nói rằng châu Á cần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Theo ông, các nền kinh tế châu Á cũng cần phải giải quyết sự mất cân bằng xã hội và nghèo đói./.
Nguyễn Trường
TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 952
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)