Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của các công ty Trung Quốc tăng từ 5,5 tỷ USD năm 2004 lên 56,5 tỷ USD năm 2009 và con số này có thể đạt 100 tỷ USD vào năm 2013.
|
Một giàn khoan dầu của Trung Quốc hợp tác với Nigeria
|
Đây là minh chứng cho thấy Trung Quốc đang thực hiện chiến lược đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.
ODI – một chính sách được ưu tiên
Phân tích chiến lược ODI của Trung Quốc, tờ Financial Times (Anh) ngày 12/9 nhận định: Điều này có thể giúp nền kinh tế toàn cầu bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới nhưng cũng tạo ra không ít lo lắng cho các đối tác của Trung Quốc.
Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil. Mối quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ của họ trong thập kỷ qua đã trở thành một biểu tượng của sự dịch chuyển kinh tế toàn cầu. Rất có thể Trung Quốc và Brazil cũng sẽ mở đường cho một trong những điều chỉnh lớn nhất của nền kinh tế thế giới trong thập kỷ tới.
Các dự án đầu tư ở Brazil của Trung Quốc là một phần của một xu hướng âm ỷ nhưng vô cùng quan trọng - vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trung Quốc đang trở thành điểm tựa cho một chu kỳ mới tăng trưởng kinh tế bền vững tự thân giữa châu Á và phần còn lại của thế giới đang phát triển, vốn đang vượt qua các nền kinh tế của châu Âu và Mỹ.
Trung Quốc không chỉ hút nguyên liệu thô từ các nền kinh tế đang phát triển khác như nước này đã làm trong thập kỷ qua, mà còn bắt đầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp ở các nước đó. Trong nhiều năm qua Trung Quốc đã thực hiện cách đầu tư này ở nhiều quốc gia châu Phi và giờ đây chúng được vận dụng tại các khu vực khác trên thế giới. Đối với nhiều nước đang phát triển, tác động của Trung Quốc đang bắt đầu tạo ra một chu kỳ mới.
Nói về chiến lược này của Trung Quốc, Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty Tư vấn Eurasia cho rằng, đó là một chiến lược nhằm giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế, và ở một mức độ nào đó về chính trị, vào Mỹ, một chính sách rất tỉnh táo, được ưu tiên trong chương trình nghị sự của Trung Quốc. Khuyến khích đổi mới và kích thích tiêu dùng nội địa cũng là một phần của chiến lược này, tuy nhiên tăng cường xâm nhập kinh tế với các nước đang phát triển khác là “một chiến thuật có thể được thực hiện nhanh chóng”.
Thâm nhập sâu hơn thị trường các nước đang phát triển
Có thể cảm thấy rõ nhất chiến thuật nói trêncủa Trung Quốc tại Brazil.Các ngân hàng Trung Quốc đã cho Công ty Dầu mỏ Petrobras vay 10 tỷ USD; cho Công ty Khai khoáng Vale vay 1,23 tỷ USD. Trong năm 2009, tổng giá trị đầu tư của Trung Quốc vào Brazil chỉ đạt 92 triệu USD song ước tính năm 2010 có thể vượt 10 tỷ USD.
Nếu đầu tư vào Brazil là một biểu tượng của thời kỳ mới trong đó kinh tế Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào các nước đang phát triển, thì một biểu tượng nữa đó là một loạt mạng lưới đường sắt do Trung Quốc xây dựng đang lan tỏa ra toàn cầu gồm một số nước ở Trung Á, Đông Nam Á, ở Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.
Có 2 yếu tố giúp thúc đẩy hoạt động ODI của Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc đã tạo ra một thế hệ công ty có sức cạnh tranh quốc tế. Họ có thể cung cấp cho các nước đang phát triển những đoàn tàu, trạm điện, máy móc khai mỏ và thiết bị viễn thông với giá cả thường thấp hơn nhiều so với các nhà cung cấp khác. Yếu tố thứ hai là sự hỗ trợ của một hệ thống ngân hàng được chính phủ huy động “chống lưng” cho các doanh nghiệp nói trên.
Hiệu quả của chiến lược này được thể hiện qua các số liệu thương mại của Trung Quốc, trong đó mức tăng lớn nhất của xuất khẩu trong năm 2009 là nhờ các nước đang phát triển. Thương mại Trung Quốc với ASEAN tăng 54,7% trong nửa đầu năm nay, và với Brazil tăng 60,3%.
Mặc dù vậy, chiến lược đầu tư của Trung Quốc có thể sẽ mở ra một gian đoạn cạnh tranh gay gắt giữa các tập đoàn đa quốc gia của các nước phát triển và các công ty quốc doanh của Trung Quốc. Đồng thời sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ mà các công ty này nhận được cũng là lý do khiến họ bị cáo buộc cạnh tranh không bình đẳng.
Mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới đang phát triển có thể mang lại một cú hích lớn cho quốc gia này cũng như cho nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới.
Nguyễn Chiến
Cổng thông tin điện tử Chính phủ