Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/07/2010-10:24:00 AM
Thành phố Hồ Chí Minh: Công cụ điều tiết thị trường phát huy tác dụng

CPI tháng 7 tại TP HCM giảm 0,09% so với tháng trước và là tháng đầu tiên, kể từ tháng 11/2009, CPI có mức giảm nhẹ. Điều này cho thấy chính sách điều tiết và kiểm soát giá cả thị trường đã phát huy tác dụng.
Theo các chuyên gia về thị trường, những nhân tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP giảm nhẹ trong tháng 7 gồm: giá lương thực giảm, giá vật liệu xây dựng tiếp tục giảm do bước vào mùa mưa, nhu cầu xây dựng giảm, giá xăng dầu có mức bình quân thấp hơn tháng trước do tác động giảm giá xăng dầu từ ngày 8/6.
Cung cầu ổn định
Có ý kiến cho rằng, CPI giảm là do sức mua giảm. Tuy nhiên, theo Cục Thống kê TP, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong tháng 7 ước đạt 30.123 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 28,6% so với tháng 7/2009. Như vậy có thể thấy CPI tháng 7 giảm nhẹ là yếu tố tích cực, là dấu hiệu cung cầu thị trường tương đối ổn định, chứ không phải do sức mua trên thị trường giảm.
CPI giảm nhờ công cụ điều tiết thị trường đã phát huy tác dụng.
Thực tế cho thấy, ngoài yếu tố giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực - thực phẩm, nhà ở và vật liệu giảm thì những nỗ lực của TP trong việc kiềm chế giá đã góp phần làm CPIgiảm.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng nhận định ở tầm vĩ mô có thể thấy các chính sách tăng cường điều tiết và kiểm soát giá cả thị trường đã phát huy tác dụng. Nếu lãnh đạo TP quyết tâm và kiên trì thực hiện với sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía các DN, CPI cả năm sẽ dừng ở mức 7%, góp phần đảm bảo chỉ tiêu GDP đạt 11% trong năm 2010.
Đây là nhận định có cơ sở bởi sau 7 năm TPHCM thực hiện chương trình bình ổn giá tết đã giúp các DN có thêm kinh nghiệm trong việc, tạo và dự trữ nguồn hàng. Việc tạo nguồn hàng tốt là cơ sở để các DN chủ lực của TP có đủ sức chi phối thị trường cả về số lượng lẫn giá hàng hóa.
Sang năm 2010, kinh nghiệm bình ổn giá trên được thành phố phát huy và vận dụng tốt hơn. Nhằm ngăn chặn lạm phát và đảm bảo mức tăng trưởng, UBNDTPđưa ra 5 biện pháp bình ổn giá, gồm các DN trên địa bàn phải tạo nguồn cung ổn định các mặt hàng thiết yếu; Sở Công Thương hoàn chỉnh đề án phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; các quận, huyện tạo điều kiện cho nhà đầu tư mở siêu thị, trung tâm thương mại; đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách linh hoạt, để bố trí vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và nông nghiệp.
Tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá
Sau kết quả khả quan của 2 đợt bình ổn giá trước và sau Tết Canh Dần 2010, TP HCM đã triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn đến hết năm 2010 và Tết Tân Mão 2011.
Hàng hóa tham gia bình ổn thị trường sẽ giảm 10% so với giá thị trường. Chương trình được gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các DN tham gia được vay vốn không tính lãi trong 10 tháng.
Từ ngày 18/6, TP đã công bố và chốt giá bán đối với 8 nhóm hàng (gạo - nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ quả), ổn định giá bán đến hết năm 2010. Với chương trình bình ổn giá hàng Tết Tân Mão, giá 8 nhóm hàng trên cũng sẽ được giữ ổn định đến hết tháng 3/2011. Theo tính toán, tùy từng thời điểm, lượng hàng bình ổn sẽ chiếm 20%-35% thị phần. Giá bán sẽ thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%.
Cùng với việc thực hiện chương trình bình ổn giá 8 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op vừa được Thành ủy, UBND TPHCM giao nhiệm vụ chuẩn bị nguồn hàng bình ổn giá các loại học cụ, đồng phục học sinh cho năm học 2010-2011.
Tất cả những hoạt động nhằm ổn định thị trường của TP HCM nói trên sẽ là cơ sở để TP chủ động cung ứng một lượng hàng dồi dào, đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp cho người tiêu dùng trên địa bàn. Qua đó,sẽ loại trừ dần yếu tố đầu cơ hàng hóa để làm giá./.
Công Trí
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 841
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)