Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/03/2011-09:18:00 AM
Quốc hội thảo luận KT-XH: Xây dựng lộ trình thu hẹp đầu tư công
Tiếp tục phiên thảo luận chiều nay, 26/3, vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, đầu tư công, an sinh xã hội… được các đại biểu Quốc hội đề cập trên nghị trường. Cắt giảm đầu tư công: Không ứng vốn, chuyển vốn từ năm trước

Các đại biểu đóng góp ý kiến về phát triển KT-XH tại phiên thảo luận

Liên quan đến giảm đầu tư công, đại biểu Quách Cao Yềm (Kon Tum) cho rằng, đây là một giải pháp mạnh của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc cắt giảm cũng phải thực sự linh hoạt và xem xét từ thực tế để chỉ đạo cho phù hợp và kịp thời, phát huy hiệu quả.
Về cắt giảm đầu tư công, đặc biệt các dự án chưa cần thiết, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (ĐB TP.HCM) nêu ý kiến nên giao chỉ tiêu cụ thể cho mỗi ngành, mỗi địa phương và tiến hành khẩn trương.
Giải trình một phần băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (ĐB Thanh Hóa) cũng đã đăng đàn phát biểu.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, đầu tư công có từ 4 nguồn chính là ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư của Nhà nước và nguồn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước.
Với nguồn đầu tư công 197 tỷ đồng theo chỉ tiêu đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chúng ta không cắt giảm, chỉ cắt giảm đầu tư từ tín dụng Nhà nước và của doanh nghiệp Nhà nước.
Trongnguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, sẽ tiến hành sắp xếp lại các dự án đầu tư trên cơ sở lựa chọn các dự án đầu tư hiệu quả với các tiêu chí cụ thể mà Chính phủ đã ban hành. Bên cạnh đó,không cho ứng trước vốn của năm 2012 và không cho điều chuyển vốn của năm 2010 sang năm 2011. Thực hiện biện pháp này cũng là cắt giảm vốnđầu tư côngrất lớn.
“Đầu tư từ ngân sáchlà 243 ngàn tỷ đồng, trong đó từ ngân sách là 177 ngàn tỷ đồng và từ trái phiếu Chính phủ là 66 ngàn tỷ đồng, nhưng trong 243 ngàn tỷ đồng này thì đã có khoảng một lượng rất lớn là ứng trước và điều chuyển”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nêu rõ.
Bộ trưởng cũng cho biết, thực hiệnNghị quyết của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, 10 đoàn kiểm tra đã được cử đến 8 vùng và 2 doanh nghiệp Nhà nước. Kết quả các tỉnh, thành phố chấp hành tốt Nghị quyết của Chính phủ. Các Tập đoàn, Tổng Công ty cũng đang tiến hành triển khai sắp xếp lại đầu tư.
Cũng theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, hiện nay Chính phủ xây dựngcơ sở pháp lý để chuyển đổi cơ cấu đầu tư theo phương thức công - tư kết hợp, tức là nhà nước và tư nhân cùng tham gia đầu tư để phát triển các công trình về cơ sở hạ tầng là chủ yếu. Lĩnh vực xã hội, những cơ sở hạ tầng mà tư nhân không đầu tư được thì Chính phủ sẽ đầu tư.
“Chính phủ đang có một lộ trình để chuyển đổi, cơ cấu lại đầu tư và sẽ thu hẹp đầu tư công”, Bộ trưởng nói.
Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đáp ứng đòi hỏi của thực tế
Vấn đề quản lý nhà nước về đa ngành, đa lĩnh vực được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn (ĐB Nam Định) khẳng định, mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực là chủ trương đúng đắn về cải cách tổ chức bộ máy. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi làm cho bộ máy Chính phủ và các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện được tinh gọn hợp lý hơn mà còn khắc phục được đáng kể tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, của các bộ, ngành và nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong tình hình phát triển mới của đất nước.
Về vấn đề cơ cấu bộ ngành sắp tới, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết, tiếp tục điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan.
Quy chế hóa việc phối hợp giữa các bộ đang có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và phân định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan cụ thể để xây dựng các thông tư liên tịch trong đó quy định rõ bộ chủ trì chịu trách nhiệm chính và các bộ có liên quan cùng thực hiện.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Chínhphủ sẽ họp và quyết định chính thức về chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo

Bên cạnh đó là áp dụng giải pháp tổ chức đối với những vấn đề không thể xử lý được bằng quy chế phối hợp được bằng cách chuyển giao chức năng, nhiệm vụ và hợp nhất tổ chức để thống nhất đổi mới thực hiện cho bộ đảm bảo để khắc phục sự chồng chéo.
Vấn đề giải quyết chế độ cho cựu thanh niên xung phong và giải quyết việc làm cho lao động từ Libya về nước được nhiều đại biểu quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, những vấn đề còn vướng mắc trong giải quyết chế độ cho cựu thanh niên xung phong sẽ được Bộ và Hội cựu thanh niên xung phong rà soát, xử lý nhanh chế độ, không để thiệt thòi.
Về người lao động Việt Nam từ Libya, Bộ trưởng Kim Ngân cho biết, chiều tối mai (27/3), hơn 1.000 lao động đi đường biển sẽ cập cảng Hải Phòng, hoàn thành chiến dịch đưa người lao động về nước an toàn.
Bên cạnh đó, hiện có nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng tiếp nhận và hỗ trợ số lao động này vào làm việc, bảo đảm đời sống.
Lựa chọn cách thực hiện hợp lý, bình tĩnh và hiệu quả
Là đại biểu phát biểu cuối cùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (ĐB Bắc Giang) đã báo cáo vấn đề phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Chính phủ đang tiến hành thực hiện nghị quyết của Quốc hội, tiến hành sửa Luật Giáo dục. Đây là vấn đề được xã hội quan tâm, nhưng còn một sốbất cập do lịch sử để lại.
Vì thế, theo Phó Thủ tướng, trong tháng 4 này, sau khi các thành viên Chính phủ gửi lại ý kiến, Chính phủ sẽ họp và quyết định chính thức về chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo.
Nhân Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XII, Phó Thủ tướng cũng cảm ơn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ qua đã quan tâm,hỗ trợ, giám sát và góp ý cho hoạt động của Chính phủ. Đây là tiền đề quan trọng để Chính phủ hoạt động tốt hơn trong thời gian tới.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, các báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Quốc hội về tình hình KT-XH đề cập tương đối toàn diện, đầy đủ, đúng mức. “Các ý kiến của đại biểu nêu lên là tâm huyết, xây dựng. Nhiều vấn đề nêu ra rất trúng và đáng trân trọng. Trong triển khai thực hiện, Chính phủ cần lựa chọn cách thực hiện hợp lý và bình tĩnh để đạt hiệu quả cao”, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ.
* Cũng trong phiên thảo luận chiều nay, Quốc hội nhất trí với phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng từ tiền lãi dầu khí để tái đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả đầu tư, tăng cường kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện.
Lê Sơn – Quỳnh Hoa
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1113
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)