Năm 2011 phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty (TCty) nhà nước cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp để đạt tăng trưởng bình quân ở mức 15%.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các tập đoàn kinh tế,TCty nhà nước phải rà soát lại các dự án đầu tư, dừng, hoãn, cắt giảm các dự án đầu tư chưa cần thiết, kém hiệu quả, kể cả các dự án đầu tư ra nước ngoài để tập trung vốn và đẩy nhanh tiến độ cho các dự án thuộc ngành, nghề kinh doanh chính màsớm đem lại hiệu quả.
Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước cần chú trọng các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, thực hiện các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức sản xuất, kinh doanh hợp lý, nâng cao tính chuyên môn hóa và hợp tác hóa giữa các đơn vị thành viên để giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ; chú ý sử dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nướccần đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, Công ty mẹ; tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp thành viên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh;...
Xây dựng quy định của Chính phủ về cơ chế thực hiện tái cơ cấu Vinashin
Thủ tướng giao nhiệm vụ này cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2011.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo Kết luận của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tái cơ cấu Tập đoàn.
Vinashin cần chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp thành viên theo phê duyệt của Thủ tướng; đàm phán, tái cơ cấu lại các khoản nợ, thu xếp nguồn vốn để thực hiện các dự án đóng tàu và công nghiệp phụ trợ; tìm kiếm để ký kết các hợp đồng đóng mới tàu. Các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước trong điều kiện và khả năng cho phép, hỗ trợ Vinashin thực hiện tái cơ cấu có hiệu quả.
Tổng hợp báo cáo của 21 tập đoàn, TCty 91 cho thấy, đến thời điểm hiện tại, tổng vốn chủ sở hữu toàn khối đạt 540.701 tỷ đồng, tăng 11,75% so với 2009.Một số tập đoàn đạt mức tăng trưởng mạnh (từ 44-53%) như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV), Viettel,…
Tổng doanh thu toàn khối năm 2010 ước đạt 1.173.489 tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch năm và tăng 36% so với năm 2009. Có 20/21 tập đoàn,TCty làm ăn có lãi, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 70.778 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách ước đạt 173.549 tỷ đồng, tăng 31% so với thực hiện năm 2009.
|
Quốc Hà
Cổng thông tin điện tử Chính phủ