Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/07/2011-14:54:00 PM
Cacao Việt Nam- Triển vọng phát triển

Sau 5 năm, ngành cacao đã đạt được những thành tựu đáng kể góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, nhất là những người dân nghèo ở Tây Nguyên và Nam Bộ.
5 năm phát triển
Theo báo cáo của Ban Điều phối Phát triển cacao Việt Nam (VCC), tính đến tháng 6/2011 tổng diện tích cacao cả nước đạt khoảng 20.589 ha, tăng 4.404 ha so với năm 2010; trong đó có khoảng 7.000 ha cacao đang cho thu hoạch, với năng suất bình quân 0,7 tấn/ha, sản lượng đạt 4.873 tấn hạt.
Tuy nhiên, năng suất cacao bình quân cả nước còn thấp (khoảng 3,5 tạ/ha), chênh lệch khá lớn giữa các vùng trồng. Ước tính, nếu được thâm canh tốt thì nhiều diện tích có thể cho năng suất từ 1-2 tấn/ha.
Về sản lượng, đến cuối năm 2005, cả nước có khoảng 35 tấn hạt và đến hết năm 2010, sản lượng cacao Việt Nam ước đạt 2.500 tấn hạt khô/năm. Như vậy, về diện tích trồng cacao tại Việt Nam đã được mở rộng 4 lần giai đoạn 2005-2010, trong khi đó sản lượng cacao tăng hơn 70 lần.
Cacao phần lớn được trồng xen trong các vườn dừa, vườn cây ăn trái ở vùng ĐBSCL và trồng trong các vườn cây công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Cacao là loại cây trồng không quá khắt khe về kỹ thuật chăm sóc, cho trái nhanh, năng suất ổn định; đặc biệt có thể phát triển thích hợp trên nhiều loại đất, nhiều vùng sinh thái khác nhau ở phía Nam.
Tuy nhiên, diện tích cacao trồng mới ở các địa phương hiện vẫn gặp không ít khó khăn do đến nay vẫn chưa có đề án quy hoạch phát triển ca cao cụ thể.
Nhiều mô hình sản xuất ca cao còn manh mún, không tập trung, nông dân thiếu kiến thức KHKT, thiếu vốn đầu tư vào chăm sóc cacao khiến tỉ lệ cacao trồng mới bị chết nhiều.
Vào giai đoạn mới
Hội nghị thường kỳ lần thứ nhất-2011 của VCC diễn ra vào cuối tuần qua tại TP.HCM tập trung củng cố tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, quy chế của VCC; đặc biệtgiải pháp kỹ thuật chocacao vẫn được xác định là nhiệm vụ hàng đầu…
Mục tiêu của đề án đến năm 2015, diện tích cacao cả nước sẽ đạt 60.000 ha và nâng lên 80.000 ha vào năm 2020; trong đó có 35.000 ha kinh doanh, năng suất bình quân 15 tạ/ha, sản lượng hạt khô 52.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 50 – 60 triệu USD. Tuy nhiên, thực tế tốc độ tăng trưởng diện tích và sản lượng cacao hiện vẫn còn chậm, nhiều nơi nông dân vẫn còn nghi ngờ vào khả năng mang lại hiệu quả kinh tế của loại cây này.
Trên thị trường thế giới hiện nay, nguồn nguyên liệu cacao đang trở nên hiếm và đắt đỏ. Theo ông Nguyễn Vĩnh Thành, chuyên gia phân tích về cacao của Tập đoàn Cargill tại Hà Lan, sản lượng cacao toàn cầu những năm qua không tăng nhiều do bất ổn ở những nước sản xuất ca cao hàng đầu như Bờ Biển Ngà (nước sản xuất cacao lớn nhất thế giới) bị giảm sản lượng khoảng 38% vì nội chiến, Ghana giảm khoảng 19%. Riêng Indonesia là nước sản xuất cacao lớn ở châu Á (nhưng chất lượng thấp) năm nay dự báo giảm khoảng 20% sản lượng.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng hạt cacao trên thế giới vẫn tăng, dẫn đến tình trạng cung không đủ cho nguồn cầu, đặc biệt là các nước như Brazil, Nga, Ukraine, vùng Trung Đông… trong khi giá cacao thế giới từ niên vụ 2006 - 2007 đến 2010 - 2011 luôn có xu hướng đi lên. Trước tình hình trên, những nhà chế biến cacao sẽ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung thay thế trong thời gian tới.
Có thể nói, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển diện tích và sản lượng cacao. Giải pháp đặt ra,ngoài việc duy trì ổn định chất lượng ca cao VN thì cần phải đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trên diện rộng. Đồng thời, chú trọng hơn nữa đến năng lực sơ chế cacao, vì thực tế ở các địa phương không có đủ sân, giàn phơi cacao, do vậy người dân để ủ cacao, dễ bị thối đen làm ảnh hưởng đến chất lượng cacao lên men.
Ông Tống Khiêm, Trưởng Ban VCC nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần tiến hành rà soát lại quy hoạch phát triển diện tích trồng cacao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; không nên đặt mục tiêu mở rộng diện tích bằng mọi giá mà nên chú trọng thâm canh tăng năng suất, trồng xen canh; tiếp tục nghiên cứu, lai tạo giống mới, tăng cường công tác quản lý giống và chất lượng sản phẩm.
Các nhà chế biến cacao tại châu Âu đang kỳ vọng Việt Nam sẽ là nước sản xuất hạt cacao như Indonesia. Bởi họ đã chứng kiến nền nông nghiệp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới; chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, hạt điều nhất nhì thế giới; nông dân Việt Nam nhanh nhạy trong việc áp dụng công nghệ và giống cây con mới trong sản xuất./.
Công Trí
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1730
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)