Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện các biện pháp khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường để tăng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời kiểm soát tỷ lệ nhập siêu theo chủ trương của Chính phủ.
|
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu
|
Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị hoạt động tín dụng chỉ cho vay đối với doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, có biện pháp phù hợp để kiểm soát, điều tiết việc cho vay nhập khẩu đối với các loại hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm không thiết yếu.
Trong 7 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng khá, đạt hơn 15 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước có mức tăng 22,5% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng 19,4%.
Nếu loại trừ trị giá xuất khẩu dầu thô, khu vực kinh tế trong nước có mức tăng 12,6% và nếu loại trừ thêm giá trị vàng thì vẫn có mức tăng 22,5%.
Theo các chuyên gia kinh tế, trị giá xuất khẩu tăng chủ yếu là do giá cả hàng hóa trên thế giới tăng hơn trước. Một số mặt hàng xuất khẩu cũng tăng hơn so với cùng kỳ, riêng dầu thô tăng 44% (chủ yếu do giá tăng). Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch sang các sản phẩm sữa, may mặc và giày dép trong đó, sữa và các sản phẩm từ sữa đạt 68,7 triệu USD tăng 37,4%; may mặc xuất khẩu đạt 1,222 tỷ USD, tăng 18,3%; hàng giày dép xuất khẩu trị giá 323,8 triệu USD, tăng 17,7%.
Mặt hàng gạo đã xuất khẩu được hơn 1,7 triệu tấn với trị giá hơn 800 triệu USD chiếm tỷ trọng 11% trong tổng kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô, tăng 1,7% về lượng và giảm 5,2% về trị giá (giá xuất khẩu bình quân giảm 6,7% so với năm trước). Mặt hàng thủy sản xuất khẩu trị giá 226,4 triệu USD có mức tăng 12,4%.
Với đà tăng trưởng thuận lợi này, dự ước cả năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của thành phố sẽ đạt khoảng 23,5 tỷ USD và sẽ đạt mức tăng 12,1% so với năm trước./.
Hà Huy Hiệp
TTXVN/Vietnam+