Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải vừa ký Quyết định ban hành Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2015, có xét đến năm 2020. Mục tiêu của Quy hoạch là nhằm phát huy vai trò đầu tàu của Vùng đối với cả nước, phát triển nhanh theo hướng chuyển dần sang các ngành công nghiệp có công nghệ và kỹ thuật cao, có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy phát triển các vùng khác.
Theo các mục tiêu phát triển của Quy hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp giai đoạn 2006-2010 cùng đạt 15-16%; giai đoạn 2016-2020, mục tiêu phát triển lần lượt đạt khoảng 13-14%, 14-15%. Giai đoạn 2006-2010, khu vực công nghiệp thu hút thêm khoảng 800-810 nghìn lao động. Đến năm 2020, ngành công nghiệp sẽ có khoảng 5,5 đến 6 triệu lao động, chiếm 37-38% tổng số lao động trên địa bàn. So với năm 2005, năng suất lao động công nghiệp (tính theo GDP) năm 2010 đạt gấp khoảng 1,46 lần, năm 2020 gấp 3,5-4 lần.
Định hướng phát triển của Quy hoạch là tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng về tài nguyên (khai thác và chế biến dầu khí, phát điện, chế biến nông, lâm, hải sản); có lợi thế so sánh về nguồn nhân lực chất lượng cao (cơ khí chế tạo, cơ điện tử, điện tử, hóa chất), công nghiệp phục vụ xuất khẩu, công nghiệp luyện kim và công nghiệp hỗ trợ. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, có hàm lượng tri thức cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và chuyển dần các ngành sử dụng nhiều lao động, đất đai, có nhu cầu vận tải lớn từ các khu vực trung tâm thành phố ra các địa bàn lân cận.
Quy hoạch cũng đề ra 6 nhóm giải pháp chính và 7 chính sách chủ yếu để thực hiện các mục tiêu phát triển. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường sự hợp tác liên kết giữa các tỉnh trong Vùng và giữa Vùng với các Vùng kinh tế khác trong cả nước. Từng bước hình thành các cụm liên kết doanh nghiệp; hình thành một số khu công nghệ cao tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung đào tạo đủ nguồn nhân lực cho các ngành then chốt như: Cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu mới,... cho các khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm, các ngành nghề mới, chú trọng đào tạo nghề để có đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ lành nghề đủ khả năng nắm bắt và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại, nâng chất lượng đào tạo lên ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ