Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/11/2010-16:01:00 PM
Triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam - EU giai đoạn 2010 - 2020
(MPI Portal) - Sáng ngày 16/11/2010, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội thảo Triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam - EU giai đoạn 2010 - 2020 với sự chủ trì của ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tham dự Hội thảo có ông Sean Doyle, Đại sứ đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam cùng với sự tham gia đại diện của các Ban, Bộ, ngành cùng các cơ quan thông tấn, báo chí.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Sau 20 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990, quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã có những bước phát triển nhanh chóng và vững chắc. Ngày nay, EU là đối tác quan trọng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị, lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng tăng cường hợp tác nhiều mặt, tương xứng với tiềm năng và vị thế của hai bên. Đặc biệt, gần đây quan hệ Việt Nam - EU đã được nâng lên tầm “Đối tác chiến lược”, thể hiện chiều hướng phát triển ngày càng sâu rộng trong quan hệ Việt Nam - EU nói chung và giữa Việt Nam và các nước thành viên EU nói riêng. Về kinh tế, EU nhanh chóng trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh từ 1,5 tỷ USD năm 1995 lên 15,2 tỷ USD năm 2009. EU là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc, hải sản, giầy dép, cà phê, đồ gỗ. Hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ EU là máy móc thiết bị, tân dược, sắt thép các loại, sản phẩm hóa chất, dụng cụ quang học và phương tiện vận tải.
Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á chủ động có chiến lược tổng thể về hợp tác với EU, khẳng định vị thế của EU trong đối ngoại của Việt Nam nhằm xây dựng quan hệ Việt Nam - EU thành quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài, vì hòa bình và phát triển.
Mặc dù quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - EU đang phát triển nhanh, song vẫn tồn tại một số vấn đề khó khăn như sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển; nhu cầu bảo hộ nội địa của EU đặt ra một số rào cản chưa thực sự hợp lý đối với doanh nghiệp Việt Nam...
Hiện nay, EU đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế tri thức cạnh tranh và năng động nhất thế giới, có khả năng đảm bảo phát triển bền vững, tạo ra nhiều việc làm và tính liên kết ngày càng cao. Theo đó, chính sách thương mại của EU giai đoạn 2010-2015 sẽ hướng vào phục hồi kinh tế thông qua mở cửa thị trường và kết nối EU với các khu vực tăng trưởng năng động của thế giới. Đồng thời, EU sẽ cố gắng giúp doanh nghiệp Việt Nam được hưởng cơ hội thuận lợi nhất có thể được trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh thương mại và đầu tư, EU còn là đối tác quan trọng và là một trong những nhà tài trợ lớn nhất về hỗ trợ phát triển cho Việt Nam với các lĩnh vực chủ yếu như y tế, giáo dục, văn hóa, bảo vệ môi trường, chuyển đổi nền kinh tế, cải cách hành chính và xóa đói giảm nghèo.
Từ năm 1993 đến năm 2009, tổng cam kết ODA của Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU dành cho Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ USD, trong đó giải ngân được gần 5 tỷ USD. Năm 2010, tổng ODA cam kết của EU là 1,05 tỷ USD.
Ngài Sean Doyle, Đại sứ – Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Ngài Sean Doyle, Đại sứ – Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết Việt Nam luôn đóng vai trò chiến lược trong khu vực và là đối tác quan trọng của EU. Ngài mong rằng, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thời gian tới để đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Hiện nay, Việt Nam và EU đang hướng tới việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, với phạm vi đàm phán toàn diện nhằm tác động đến quy mô, dòng chảy thương mại giữa hai bên, đây là yếu tố bắt buộc mang tính tiêu chuẩn. EU vẫn tiếp tục là đối tác hết sức quan trọng, là thị trường then chốt của Việt Nam trong những năm tới đây và ngày càng trở nên quan trọng hơn sau khi Hiệp định này được ký kết.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá triển vọng hợp tác Việt Nam - EU đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 về cơ bản là sáng sủa và thuận lợi. Vị thế của EU sẽ ngày càng được nâng lên. EU sẽ tăng cường vai trò của mình tại Liên hợp quốc và các tổ chức, diễn đàn đa phương và đi đầu trong giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu. EU tiếp tục giữ vị trí là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính hàng đầu thế giới.
Các nước EU nhìn chung đều coi trọng, đánh giá cao tiềm năng, vai trò, vị thế khu vực và quốc tế của Việt Nam, muốn phát triền hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam trong những năm tới. Còn về phía Việt Nam, để đạt mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, khuyến khích thu hút đầu tư từ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục chú trọng phát triển quan hệ nhiều mặt, cùng có lợi với các nước lớn, các trung tâm chính trị-kinh tế quan trọng của thế giới, trong đó có EU./.
Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước thành viên với trên 500 triệu dân, là thực thể chính trị, kinh tế lớn và quan trọng hàng đầu trên thế giới, chiếm 2 trên 5 Ủy viên thường trực HĐBA LHQ, 4 trong 7 nhóm công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), 4 trong Nhóm kinh tế lớn (G20).
EU là nền kinh tế lớn nhất thế giới (năm 2010 đạt gần 15.000 tỷ USD), chiếm khoảng 21% GDP toàn cầu tính theo ngang sức mua). EU có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cao nhất thế giới, đạt 3177 tỷ Euro năm 2009 (tương đương 4321 tỷ USD), trong đó xuất khẩu đạt 1608 tỷ Euro (2187 tỷ USD), nhập khẩu đạt 1569 tỷ Euro (2134 tỷ USD). Năm 2009, 27 nước thành viên EU đầu tư trực tiếp ra nước ngoài 263 tỷ Euro, tương đương 358 tỷ USD. EU cũng là nhà tài trợ phát triển lớn nhất thế giới (năm 2009, cả khối đã cung cấp 49 tỷ Euro viện trợ cho các nước đang phát triển, chiếm 60% tổng viện trợ của thế giới). Năm 2010, EU có 161 trong số 500 công ty lớn nhất thế giới.
Tùng Linh - Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1662
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)