Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng các trọng tâm hợp tác của APEC về cơ bản phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của Việt Nam.
|
Các nhà lãnh đạo APEC họp kín phiên thứ 2
|
Tối 15/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến đi tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 (Hội nghị Cấp cao APEC 18) tại Nhật Bản.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho rằng, với vai trò là diễn đàn quan trọng hội tụ các đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Á - Thái Bình Dương, APEC mang đến cho Việt Nam những lợi ích thiết thực về kinh tế, chính trị, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, đồng thời là một kênh quan trọng để tăng cường các mối quan hệ song phương.
Tại Hội nghị Cấp cao APEC 18, các trọng tâm hợp tác của APEC như Chiến lược tăng trưởng mới, cải cách cơ cấu, thuận lợi hóa kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị... về cơ bản phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của Việt Nam. Vì vậy chúng ta cần vận dụng những nội dung này để phục vụ triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, nhằm giành vị thế cao hơn cho kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm lưu ý, liên kết của APEC và khu vực cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam, đòi hỏi các cam kết phải được thực hiện theo lộ trình cụ thể. Trong 5 - 10 năm tới, Việt Nam sẽ phải hoàn tất các cam kết trong nhiều khuôn khổ liên kết khác nhau, đặc biệt là Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, các Mục tiêu Bogo về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, các Thỏa thuận về khu vực mậu dịch tự do của ASEAN với Trung Quốc (CAFTA) năm 2015 và với các đối tác khác.
Việc thực hiện những cam kết mới và sâu rộng như vậy đòi hỏi quyết tâm cao, sự đồng hành và tham gia tích cực của các Bộ ngành, doanh nghiệp và người dân, để có sự thống nhất trong nhận thức, chủ động trong chuẩn bị, và phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn trong hành động, nhằm tận dụng tốt nhất các điều kiện thuận lợi bên ngoài phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Đánh giá về đóng góp của Hội nghị Cấp cao APEC 18 đối với hợp tác và liên kết kinh tế ở khu vực, cũng như trên thế giới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho biết, các nhà lãnh đạo APEC đã nhấn mạnh quyết tâm chung về tăng cường liên kết kinh tế khu vực thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn Yokohama - Mục tiêu Bogo và Tương lai” và “Tuyên bố đánh giá thực hiện các mục tiêu Bogo”, khẳng định cùng nỗ lực để các thành viên đang phát triển hoàn tất các mục tiêu này vào năm 2020.
Các nhà lãnh đạo APEC cũng đã thông qua "Chiến lược Tăng trưởng của APEC", xác định rõ năm nội hàm cơ bản của tăng trưởng là “cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn”, đồng thời đề ra kế hoạch triển khai chi tiết với các dự án cụ thể.
Việc đề ra những định hướng chiến lược tăng trưởng là cần thiết, góp phần giúp APEC vững bước chuyển sang một giai đoạn tăng trưởng mới và đồng hành cùng các cơ chế khác, như G-20, đóng góp vào tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo APEC cũng lần đầu tiên định rõ nội hàm của “Cộng đồng APEC” cho thời gian tới, bao gồm liên kết kinh tế chặt chẽ, tăng trưởng chất lượng cao và môi trường kinh tế - xã hội an toàn.
Các nhà lãnh đạo cam kết thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm xử lý các rào cản thuế quan và phi thuế quan, tăng cường kết nối, đặc biệt là về hạ tầng cơ sở, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, coi trọng an ninh con người... Đặc biệt, các nhà lãnh đạo APEC cũng xác định các cách thức triển khai xây dựng Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế ASEAN+3, ASEAN+6 và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái bình dương (TPP)./.
Thu Hà
Cổng thông tin điện tử Chính phủ