Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/05/2011-10:20:00 AM
Tiếp tục nâng cao năng lực bộ máy Chính phủ
(MPI Portal) – Ngày 29/04/2011, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Tiếp tục nâng cao năng lực bộ máy Chính phủ dưới sự đồng chủ trì của ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương và ông Staffan Herstrom, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng lắng nghe báo cáo tổng hợp về Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện bộ máy Chính phủ Việt Nam, sự cần thiết của việc cải cách hành chính, hội nhập quốc tế và những chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ.
Báo cáo đề cập đến các phương pháp và cách tiếp cận để nâng cao năng lực của bộ máy Chính phủ. Trong đó, tập trung rà soát, loại bỏ các chức năng, nhiệm vụ không còn phù hợp với cơ chế thị trường; Loại bỏ chức năng chồng chéo, xác định 1 cơ quan phù hợp đảm nhận; Xác định phạm vi và lĩnh vực cụ thể đối với dịch vụ công; Xác định những vấn đề trong điều phối tổng thể, hạn chế sự xung đột trong hoạch định chính sách; Xây dựng những bất cập trong phối hợp (cả chiều ngang và chiều dọc).
Báo cáo cũng đánh giá về thực trạng các cơ quan tổ chức của Việt Nam, cụ thể là chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức còn chung chung, thiếu rõ ràng; nhiều Bộ chịu trách nhiệm cho một công việc hoặc ôm đồm quá nhiều việc, nhất là những việc không có đủ nguồn lực, không phù hợp với cơ chế thị trường dẫn đến không khả thi hoặc cản trở doanh nghiệp phát triển. Bộ máy Chính phủ cồng kềnh, thiếu hiệu lực, kém hiệu quả chính là hệ quả của các vấn đề trên.
Về thực trạng của quá trình phân cấp, báo cáo chỉ ra quá trình phân cấp chưa được chuẩn bị kỹ, chưa có cách tiếp cận hợp lý. Phân cấp chưa đồng bộ, chưa phù hợp với tình hình địa phương, với năng lực chính quyền cấp dưới, chưa sử dụng những hình thức phân cấp khác nhau để phù hợp với điều kiện thực tế.
Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và đưa ra một số nhận định khái quát như: Việt Nam chưa có một nghiên cứu một cách cụ thể và nghiêm túc về xây dựng mô hình chính phủ phù hợp; Thiếu sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Đảng và Chính phủ trong việc thiết kế bộ máy…
Theo báo cáo, mục tiêu định hướng đổi mới Chính phủ là nâng cao năng lực và hiệu quả của Chính phủ.
Quan điểm và nguyên tắc thực hiện:
  • Đảng lãnh đạo, không làm thay; Nhà nước pháp quyền;
  • Sự tồn tại của Chính phủ là phục vụ lợi ích của người dân;
  • Đổi mới theo hướng xây dựng “Nhà nước kích hoạt”;
  • Gắn đổi mới Chính phủ với các vấn đề khác;
  • Đảm bảo nguyên tắc dân chủ, minh bạch, công khai;
  • Phân công công việc rõ ràng;
  • Thực hiện từng bước phù hợp với năng lực bộ máy;
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1120
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)