Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/12/2010-10:22:00 AM
Việt Nam vững vàng vượt sóng gió
Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đã phải trực tiếp và gián tiếp chịu tác động tiêu cực của bốn cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính trên thế giới hoặc trong khu vực, song đã vững vàng vượt qua sóng gió từ những tác động bất lợi khách quan.

Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,7% năm 2010

Cuộc khủng hoảng thứ nhất tiềm ẩn từ cuối những năm 70, bùng phát vào những năm 80 và kéo dài cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ hậu quả chiến tranh, từ việc kéo dài cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, cộng hưởng với những khó khăn quốc tế (sự đổ vỡ chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông Âu, cuộc bao vây cấm vận của Mỹ,...).
Cuộc khủng hoảng này biểu hiện ở bốn mặt: Sản xuất tăng chậm và thực chất không phát triển; lạm phát phi mã ở mức 3 chữ số; cán cân thanh toán mất cân đối nghiêm trọng; tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai chữ số. Cuộc khủng hoảng trên bức bách đòi hỏi và dẫn đến công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986.
Công cuộc đổi mới đã đưa đất nước cơ bản thoát khỏi khủng hoảng và chuyển sang giai đoạn mở cửa hội nhập để phát triển.
Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ khu vực năm 1997-1998, cuộc khủng hoảng thứ 2 xảy ra. Nhưng do Việt Nam đồng tiền chưa chuyển đổi, sẵn có thùng gạo (có gạo xuất khẩu), và thùng dầu (có dầu thô xuất khẩu), nên đã không bị cuốn hút vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã bị tác động tiêu cực về nhiều mặt. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bị sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu giảm. Lạm phát năm 1998 lên 9,2%. Tốc độ tăng GDP xuống nhanh và sâu (năm 1998 còn 5,76%, năm 1999 còn 4,77%,... và phải mấy năm sau tăng trưởng kinh tế mới phục hồi.
Năm 2000, Hiệp ước Thương mại song phương Việt – Mỹ được ký kết, hứa hẹn tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu sẽ cao,... Nhưng nước Mỹ gặp sự kiện 11/9/2001, cộng hưởng với cuộc khủng hoảng chu kỳ của nước Mỹ đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.
Nhờ tiếp tục đổi mới, mở cửa hội nhập, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam đã vượt qua tác động của cuộc khủng hoảng này – cuộc khủng hoảng thứ ba. Tăng trưởng kinh tế liên tục tăng cao lên và 3 năm liền (2005- 2007) đã đạt trên 8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh và đạt kỷ lục mới. Xuất khẩu tăng liên tục với tốc độ cao, tỷ lệ so với GDP đứng cao thứ 5 thế giới. Dự trữ ngoại hối lần đầu tiên vượt mức 20 tỷ USD; GDP bình quân đầu người tăng khá,...
Cuộc khủng hoảng thứ tư bắt đầu từ nhà đất ở Mỹ, lan nhanh sang hệ thống tài chính, kinh tế thực và công ăn việc làm, lan nhanh từ Mỹ sang các nước, tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới hàng trăm năm mới gặp.
Cuộc khủng hoảng lớn này xảy ra khi Việt Nam vừa mới gia nhập WTO từ đầu năm 2007, tức là độ mở rộng hơn, nên tác động tiêu cực dễ nhanh, rộng hơn. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 còn 6,31%, năm 2009 còn 5,32%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng cao trong năm 2007 (12,63%), bùng lên trong năm 2008: sau 1 năm (tức là tháng 12/2008 so với tháng 12/2007) đã tăng tới 19,89%; nếu tính bình quân năm 2008 so với năm 2007 đã tăng tới 22,97%. Tính thanh khoản của một số ngân hàng gặp khó khăn,… Giá USD đã tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,7%. Nhập siêu năm 2007 vọt lên 14,2 tỷ USD, năm 2008 đã lên đến trên 18 tỷ USD. Lao động trong các khu vực công nghiệp, các làng nghề bị mất và thiếu việc làm...
Đứng trước tình hình trên, mục tiêu ưu tiên đã sớm chuyển từ tăng trưởng kinh tế sang kiềm chế lạm phát. Kết quả giá tiêu dùng từ tháng 7/2008 đã tăng chậm lại và lần đầu tiên trong nhiều năm, CPI đã giảm liền vào 3 tháng cuối năm. Tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại được cải thiện.
Nhập siêu giảm dần và ở mức dưới 1 tỷ USD từ tháng 6; cán cân thanh toán tổng thể được bảo đảm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện. Lượng ngoại tệ vào nước ta từ các kênh khác vẫn tăng mạnh, làm tăng tính thanh khoản của quốc gia.
Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và hiệu ứng phụ từ kiềm chế lạm phát, năm 2009 tăng trưởng kinh tế, đầu tư nước ngoài, tăng trưởng công nghiệp, xuất khẩu bị sụt giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng,...
Mục tiêu ưu tiên đã được chuyển từ kiềm chế lạm phát sang ngăn chặn suy giảm kinh tế với nhiều giải pháp, trong đó có việc kích cầu đầu tư, tiêu dùng với biện pháp nổi bật là cấp bù lãi suất- một biện pháp riêng của Việt Nam.
Kết quả Việt Nam đã không bị rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng thế giới, kinh tế không bị suy thoái (tăng trưởng âm) mà chỉ bị suy giảm tốc độ tăng trưởng, rơi xuống đáy vào quý I/2009, nhưng bắt đầu từ quý II/2009 đã có dấu hiệu thoát đáy vượt dốc đi lên với tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ cao lên, tốc độ tăng giá chậm lại.
Năm 2010, trong điều kiện kinh tế thế giới tuy đã ra khỏi suy thoái, nhưng việc phục hồi còn rất khó khăn, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục quý sau cao hơn quý trước và tính chung cả năm đạt 6,7%. Đây là tốc độ tăng tuy chưa bằng thời kỳ 2001- 2007 nhưng đã cao hơn năm 2009, năm 2008 và vượt mục tiêu đề ra.
Tăng trưởng cao lên đạt được ở cả 3 nhóm ngành, trong đó nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đã thoát đáy sớm nhất, phục hồi nhanh nhất; đạt được ở cả 3 khu vực (khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài); đạt được ở tất cả các vùng, các địa phương trong cả nước.
So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, xuất khẩu, thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đều tăng. Nhập siêu đã giảm so với năm trước và có khả năng thấp hơn kế hoạch cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ so với xuất khẩu. Bội chi ngân sách so với GDP ở mức dưới 6%, đã giảm so với mức 6,6% của năm trước, thấp hơn mức 6,2% của kế hoạch. Một kết quả tổng quát là Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình.
Với các kết quả trên, có thể cho rằng Việt Nam đã cơ bản ra khỏi sóng gió từ cuộc khủng hoảng thứ tư – khủng hoảng tài chính thế giới, đang tiến tới phục hồi để đạt mục tiêu cao hơn trong năm 2011. Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, thoả mãn, bởi nền kinh tế còn có những hạn chế, bất cập và đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ, trong đó, có các vấn đề nóng là lạm phát và nhập siêu.
Minh Ngọc
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1072
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)