Báo cáo số 36/BC-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2010 của UBND tỉnh Bắc Ninh về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2010.
Cùng với cả nước, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực. Các mục tiêu chủ yếu đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước và vượt kế hoạch.
1. Kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2010 ước đạt 9.697 tỷ đồng, tăng 17,86% so với năm 2009 (vượt 0,86% so KH). Đây là tốc độ tăng cao nhất từ trước đến nay. Công nghiệp - xây dựng tăng 24,86%; dịch vụ tăng 16,37%; nông nghiệptăng 4,4%.
1.2. Sản xuất nông nghiệp
Bằng quyết tâm cao cao của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong việc khắc phục hạn hán đầu vụ xuân; diện tích lúa lai được mở rộng lên gần 50% tổng diện tích giao trồng, sản xuất vụ xuân đạt kết quả toàn diện cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Tính chung diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt52.197 ha, tăng 507 ha so cùng vụ năm trước; nhóm cây rau, đậu các loại đạt 8.005 ha, tăng 465 ha.
Sản xuất vụ mùa đạt kết quả khá, diễn ra trong bối cảnh thời tiết diễn biến thuận lợi nên tiến độ gieo cấy vụ mùa được đẩy nhanh, nhất là diện tích lúa mùa sớm để phục vụ sản xuất vụ đông. Hiện nay đang vào giai đoạn cuối vụ, công tác chăm sóc tiếp tục được quan tâm và chuẩn bị cho thu hoạch. Diện tích gieo trồng vụ mùa đạt 39.980 ha, bằng 99,1% so với cùng vụ năm trước. Trong đó, cây lúa là 37.208 ha, giảm 330 ha so vụ mùa năm trước. Bước đầu nhận định năng suất và sản lượng nhiều cây trồng chính sẽ đạt tương đương hoặc cao hơn so với vụ mùa năm trước. Năng suất lúa ước đạt 55 tạ/ha, tăng 0,2 hạ/ha so với cùng vụ năm trước; sản lượng thóc ước đạt 204,6 nghìn tấn.
Tính chung cả năm, tổng diện tích gieo trồng là 92.177 ha, đạt 98,7% KH năm và tăng 133 ha so với năm 2009. Trong đó, cây lúa là 74.270 ha, đạt 99,7% KH năm và bằng 99,3% so với năm 2009; Sản lượng lương thực có hạt đạt 454,6 nghìn tấn, tăng 21% so với năm 2009; năng suất lúa bình quân năm đạt 59,8 tạ/ha, đạt 99,6% so với KH và tăng 0,52% (tương ứng 0,3 tạ/ha) so với năm 2009; sản lượng thóc là 443,9 nghìn tấn, đạt 99,3% và bằng 99,8%. Năng suất cây rau đậu đạt 207,9 tạ/ha, tăng 6,6% và sản lượng là 195 nghìn tấn, tăng 10,2% so với năm 2009.
Kết quả chăn nuôi: Trong năm dịch cúm gia cầm và nhất là dịch tai xanh ở lợn xẩy ra ở một số nơi nên phần nào ảnh hưởng xấu đến phát triển chăn nuôi.Dịch bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 4, đến cuối tháng 5 đã có 550 thôn thuộc 118 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với 66.829 nghìn con lợn bị mắc. Trong đó, đã có 29.894 con bị chết. Công tác phòng, chống dịch được triển khai tích cực, đúng quy trình nên dịch đã được khống chế (đến ngày 28/6 Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh). Mặc dù vậy, tổng đàn gia súc cũng bị giảm sút. Hiện nay, các hộ chăn nuôi đang tích cực khôi phục và phát triển đàn lợn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt lợn đang gia tăng ở những tháng cuối năm. Ước tính cả năm, sản lượng thịt hơi gia súc và gia cầm xuất chuồng đạt 91.535 tấn, tăng 4,8% so với năm 2009.
Những kết quả tích cực từ trồng trọt và chăn nuôi như trên nên giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá cố định 1994) năm 2010 ước đạt 2.274,3 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2009; Giá trị trồng trọt 1 ha canh tác đạt 73,9 triệu đồng, tăng 12,8% (tương ứng tăng 8,4 triệu đồng) so với năm 2009.
1.3. Sản xuất công nghiệp
Kinh tế thế giới và trong nước bước đầu phục hồi, nhiều dấu hiệu tích cực xuất hiện; hiệu quả của các gói kích thích kinh tế phát huy tác dụng; sản xuất công nghiệp của tỉnh phục hồi nhanh. Giá trị sản xuất 9 tháng đạt trên23.000 tỷ đồng, vượt mức KH năm, tăng 68,4% so cùng kỳ năm trước. Dự báo, cả năm năm đạt 32.256 tỷ đồng, vượt 40,2% KH năm và tăng 57,3% so với năm 2009.
Kinh tế Nhà nước, 9 tháng đạt 1.664,5 tỷ đồng, tăng 43,7% so cùng kỳ năm trước; ước tính cả năm là 2.335 tỷ đồng, vượt 28,3% KH và tăng 45,2% so với năm 2009.
Kinh tế ngoài Nhà nước, Giá trị sản xuất 9 tháng đạt 8.251 tỷ đồng, tăng 17,4% so cùng kỳ; cả năm đạt 11.511 tỷ đồng, vượt 9,6% KH và tăng 16,3% so với năm 2009.
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, phục hồi nhanh sau thời kỳ suy giảm, đồng thời một số doanh nghiệp/tập đoàn qui mô lớn đi vào hoạt động, sản phẩm đa phần được xuất khẩu nên đóng góp lớn vào mức tăng trưởng ngành công nghiệp toàn tỉnh và vươn lên chiếm tỷ trọng lớn nhất. Giá trị sản xuất 9 tháng đạt 13.107 tỷ đồng, tăng 138,9 so cùng kỳ. Ước cả năm đạt 18.409 tỷ đồng, chiếm 57,1%/tổng GTSX công nghiệp toàn tỉnh, vượt 72,4% KH năm và tăng 104,4% so với năm 2009.
1.4. Lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ
- Trong 9 tháng, hoạt động thương mại tập trung vào phục vụ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Đưa hàng hóa về nông thôn”. Công tác bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, quản lý thị trường được chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Vì thế, mặc dù giá nhiên liệu, điện tăng nhưng mức độ tác động không lớn nên chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng thấp và không gây ra biến động lớn cho thị trường hàng hóa trong tỉnh.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 9 tháng đạt 12.710 tỷ đồng, tăng 29,8% so cùng kỳ năm trước. Dự báo cả năm đạt 17.093 tỷ đồng, vượt 31,5% KH năm và tăng 26,4% so với năm 2009.
- Với hệ thống giao thông ngày càng thuận lợi, hoạt động vận tải tăng cả về qui mô và doanh thu; tăng cả vận tải hành khách và hàng hoá. Ước tính cả năm,vận chuyển 24,3 triệu tấn hàng hóa, tăng 6,8% so với năm 2009 và luân chuyển hàng hóa 1.094,2 triệu tấn.km, tăng 4,4%; vận chuyển gần 9 triệu lượt hành khách, tăng 14,4% và luân chuyển 307 triệu lượt hành khách.km, tăng 9,3%.
- Hoạt động du lịch có nhiều tiến bộ, năm 2010 cùng với cả nước Bắc Ninh tổ chức nhiều hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn; đặc biệt là năm tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Dân ca Quan họ được tôn vinh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều sự kiện văn hoá và lễ hội truyền thống lớn đã được tổ chức trên địa bàn tỉnh như Festival Bắc Ninh 2010 với chủ đề “Văn hiến Bắc Ninh - Hội tụ và tỏa sáng”; hội Lim; lễ rước linh vị của Lý Công Uẩn,…. Vì thế, lượng du khách trong và ngoài nước đến Bắc Ninh tăng cao. Ước tính, cả năm tỉnh sẽ đón 193 nghìn lượt khách với 196 nghìn ngày khách; so với năm 2009, tăng 26,1% về lượt khách và tăng 28,5% về ngày khách; tổng doanh thu ước đạt 125 tỷ đồng, tăng 29,1%.
- Hoạt động Bưu chính - Viễn thông được đầu tư và nâng cấp khá đồng bộ, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và nhu cầu của nhân dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Ước tính cả năm, toàn tỉnh phát triển được 120,7 nghìn thuê bao điện thoại các loại. Trong đó, cố định là 18,4 nghìn thuê bao. Đến cuối năm toàn tỉnh sẽ có 1.134,1 nghìn thuê bao điện thoại các loại trên mạng, tăng 11,9% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, có 231,9 nghìn thuê bao cố định, tăng 8,6% so năm trước; 41,8 nghìn thuê bao Internet.
1.5. Đầu tư và xây dựng
Hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi, đa dạng về hình thức, mở rộng về qui mô; nhiều công trình, dự án lớn được bổ sung thêm vốn và mở rộng đầu tư theo hình thức BT, vốn tín dụng được giải ngân kịp thời,... nên tiến độ thi công nhanh, khối lượng vốn đầu tư thực hiện tăng cao.
Ước tính cả năm, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 19.987 tỷ đồng và tăng 19,7% so với năm 2009; trong đó vốn đầu tư phát triển của khu vực Nhà nước đạt 2.636 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2009. Khu vực ngoài Nhà nước là 11.412 tỷ đồng, tăng 10,9%; Khu vực đầu tư nước ngoài đạt 5.938 tỷ đồng, tăng 43,9%.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2010 ước đạt 8.662 tỷ đồng, tăng 35,8% so với năm 2009.
1.6. Tài chính, tín dụng và ngăn ngừa lạm phát
Lĩnh vực Tài chính
Sau 9 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.447 tỷ đồng, bằng 98,5% KH năm và tăng 77,1% so cùng kỳ năm trước. Một số khoản thu có mức tăng cao so cùng kỳ như: thu từ DNNN trung ương tăng 33,7%; DN có VĐTNN tăng 52,8%; thu thuế ngoài nhà nước tăng 58,9%; thu thuế thu nhập cá nhân tăng 47,9%; thu tiền sử dụng đất tăng 90,4%. Hoạt động ngoại thương tăng trưởng cao nên thu từ hải quan 9 tháng đạt 891,6 tỷ đồng, gấp 4 lần so cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách tăng cao đã góp phần đảm bảo kế hoạch chi thường xuyên và bổ sung cho đầu tư phát triển. Tính chung 9 tháng, tổng chi ngân sách 2.947 tỷ đồng, đạt 81% KH năm và tăng 55,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 1.102 tỷ đồng và tăng 91,1% và chi thường xuyên đạt 1.419 tỷ đồng và tăng 49,5%.
Dự kiến, những tháng cuối năm kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nên thu ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt 4.500 tỷ đồng, vượt 28,6% KH năm và tăng 18,8% so với năm 2009. Với kết quả này, sẽ đảm bảo vững chắc nguồn chi của tỉnh. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 4.325,6 tỷ đồng, vượt 18,9% KH năm và tăng 9,1% so với năm 2009.
Lĩnh vực ngân hàng
Triển khai Nghị quyết số 18/NQ-CP, ngày 6/4/2010 của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 7/4/2010 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2010,…Các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã điều chỉnh lãi suất huy động, cho vay theo lộ trình thống nhất giữa các ngân hàng. Đến cuối tháng 9, lãi suất huy động VNĐ phổ biến từ 9,5%-11,5%/năm; lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng thương mại từ 12-14,5%/năm; hệ thống quỹ tín dụng từ 13,92-15,6%/năm. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất. Tính đến ngày 15/9/2010, đã cho 30.965 khách hàng vay vốn với dư nợ 1.261,8 tỷ đồng (chiếm 6%/tổng dư nợ tín dụng), số tiền lãi đã hỗ trợ là 43 tỷ đồng.
Hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá và cơ bản đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển SXKD. Tổng nguồn vốn huy động tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 13.735 tỷ đồng, tăng 26,9% so cùng thời điểmnăm 2009. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 29,6%. Đến hết tháng 9 tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 20.900 tỷ đồng, tăng 23,2% so cùng thời điểm năm 2009. Trong đó, cho vay ngắn hạn là 12.500 tỷ đồng, tăng 21,6%.
Tuy nhiên, nợ xấu tăng cả về số tuyệt đối và tỷ trọng so cùng thời điểm năm 2009 (từ 413 tỷ đồng năm 2009 lên 900 tỷ đồng năm 2010 và tỷ lệ nợ xấu từ 2,44% tăng lên 4,31%).
Dự báo, từ nay đến cuối năm hoạt động SXKD tiếp tục phát triển, để đáp ứng các giao dịch về kinh tế, nhu cầu về vốn cho phát triển,… nên các hoạt động tín dụng sẽ còn tăng cao hơn nữa. Tổng nguồn vốn huy động đến thời điểm 31/12 ước đạt 14.300 tỷ đồng, tăng 26,4% so cùng thời điểm năm 2009; tổng dư nợ tín dụng đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 29,8%.
Chỉ số giá
Kinh tế tăng trưởng cao, việc cung ứng hàng hoá, bình ổn giá, quản lý thị trường được làm tốt, nên đã ngăn ngừa lạm phát đạt hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 so với tháng 12/2009 tăng 7,16%.
Hoạt động ngoại thương
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 9 tháng ước đạt 846,5 triệu USD, tăng hơn 4 lần so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng tới 94% và tăng gấp 4,8 lần. Nhập khẩu, tổng kim ngạch 9 tháng ước đạt 1.071 triệu USD, tăng 193,3% so cùng tháng năm trước.
Dự kiến đến cuối năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, vượt 20% KH năm và tăng 94,3% so với năm 2009. Nhập khẩu đạt 1,52 tỷ USD, vượt 32% KH năm và tăng 43,6% so với năm 2009.
2. Lĩnh vực xã hội
2.1. Lao động và việc làm
Do kinh tế phục hồi nhanh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại, nhu cầu lao động tăng nhanh; góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn. 9 tháng, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới được 19.036 lao động, đạt 74,7% KH năm và tăng 12,6% so cùng kỳ năm trước; dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành kế hoạch. Xuất khẩu lao động được 2.167 lao động; tuyển mới, đào tạo nghề cho 27.660 lượt người, vượt 10,6% KH năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối tháng 9 là 44,1% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 31,3%).
2.2. Đời sống dân cư và công tác xã hội
Kinh tế tăng trưởng ở cả 3 khu vực, sản xuất phát triển nhanh, lao động có việc làm, xã hội ổn định, thu nhập của các tầng lớp dân cư tăng lên, lạm phát được kiềm chế. Ước tính thu nhập bình quân một người một tháng năm 2010 đạt 1.725 nghìn đồng (tương đương 20,7 triệu đồng/năm), tăng 23% so với năm 2009.
Công tác chăm sóc người có công, thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo được quan tâm. Ước tính đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,5%; toàn tỉnh đã hỗ trợ 690 triệu đồng để xây dựng 18 ngôi nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Đến nay, với tổng số trên 2000 ngôi nhà cấp 4 dột nát của hộ nghèo, nạn nhân nhiễm chất độc mầu da cam về cơ bản đã được khởi công và hoàn thành trong quí 3 năm 2010.
2.3. Giáo dục - Đào tạo
Năm học 2009-2010, quy mô giáo dục mầm non và phổ thông được duy trì ổn định. Kết thúc năm học, công tác phổ cập giáo dục tiểu học, THCS vẫn được duy trì một cách vững chắc, bậc THPT và đào tạo có bước phát triển khá. 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập tiểu học và đạt chuẩn phổ cập THCS; tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 98,6%. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010 có 16.189 học sinh (trong đó có 1.100 học sinh bổ túc THPT). Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, có 16.046 học sinh đỗ tốt nghiệp, đạt 99,12%/tổng số học sinh dự thi, tăng 4,88% so kỳ thi năm trước.
Năm học 2010-2011, tiếp tục phát huy kết quả đạt được của năm học trướ; đồng thời đổi mới phương pháp dạy và học; đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa trường lớp và đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy học. Số lượng giáo viên tuy tăng lên nhưng ở mức thấp và so với định mức vẫn còn thiếu. Bậc mầm non có 2.356 giáo viên, tương đương so năm học trước; bậc tiểu học có 3.706 giáo viên, tăng 3,9% và đủ so với định mức (1,35 GV/lớp); bậc THCS có 3.821 giáo viên, tăng 0,5% và thiếu 131 giáo viên so định mức; bậc THPT có 1.832 giáo viên, giảm 2,3% và thiếu 544 giáo viên. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 95%.
Đào tạo: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 cơ sở dạy nghề trong đó có 2 trường cao đẳng nghề, phương thức đào tạo, chất lượng học sinh tốt nghiệp trường dạy nghề từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Theo dự kiến năm học 2010-2011, các trường này sẽ tuyển mới 15.700 HS/SV, tăng 13,1% so với năm học trước. Số HS/SV tăng mới chủ yếu là ở hệ học nghề (10.200 HS/SV, tăng 15,4%), do các trường đã mở rộng thêm nhiều ngành nghề đào tạo để đáp ứng kịp thời lao động có tay nghề, được đào tạo cho các DN vốn đang thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
2.4. Lĩnh vực y tế
9 tháng qua, tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, dịch cúm, dịch tiêu chẩy cấp xuất hiện, nhưng được kiểm soát và ngăn ngừa kịp thời và có hiệu quả, nên hậu quả không lớn. Trong 9 tháng toàn tỉnh đã khám chữa bệnh cho 824,8 nghìn lượt người, đạt 81% KH năm và giảm 1,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, điều trị nội trú cho 64,9 nghìn lượt người, giảm 9,5%. Ước tính cả năm, sẽ khám chữa bệnh cho 1.099,7 nghìn lượt người, vượt 8% KH năm và giảm 3,2% so với năm 2009; điều trị nội trú cho 86,5 nghìn lượt người, giảm 11%.
Công tác truyền thông về kế hoạch hoá gia đình được tổ chức ở 100% xã, phường, thị trấn với nhiều chiến dịch được lồng ghép và hình thức tuyên truyền mới như mít tinh cổ động, dựng,dán panô khẩu hiệu, tư vấn trực tiếp tại nhà,… Trong đó, đặc biệt tập trung và đầu tư vào các xã có tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 cao; tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên bước đầu có xu hướng giảm. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn rất cao.
2.5. Văn hoá, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền
Tiếp tục phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, nhất là dân ca quan họ được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Nhiều hoạt động như: Festival Bắc Ninh năm 2010, Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bắc Ninh lần thứ III; đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI,….góp phần nâng cao vị thế, giới thiệu hình ảnh Bắc Ninh tới với các tỉnh trong nước và các nước trên thế giới. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; về cấm pháo nổ, phòng chống tham nhũng, lãng phí có nhiều tiến bộ. Nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ chào mừng các sự kiện lớn diễn ra trong năm 2010 được tổ chức long trọng, tôn nghiêm và tiết kiệm. Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI thành công tốt đẹp. Công tác thông tin truyên truyền tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì đều và tập trung tổ chức thi đấu vào dịp đầu xuân, các lễ hội, ngày thành lập Đảng, ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Thầy thuốc Việt Nam,…Ở cấp tỉnh, đã tổ chức thành công nhiều giải thể thao, như: cầu lông, bóng chuyển, võ cổ truyền, cờ vua, cờ tướng, giải chạy “Khoẻ để lập nghiệp và giữ nước” lần thứ IX,… thu hút hàng nghìn lượt VĐV tham gia. Hoạt động thể thao thành tích cao được duy trì và kết quả đáng khích lệ. Trong 9 tháng, đã cử 10 đoàn với 100 VĐV tham gia tập huấn và thi đấu ở các giải quốc gia, giành được 131 huy chương các loại (36 HCV, 31 HCĐ và 64 HCB).
2.6. Công tác nội chính đạt kết quả khá
Công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính được quan tâm và thực hiện có hiệu qả; đề án 30 đang vào giai đoạn cuối, kết quả đã rà soát và loại bỏ trên 30% thủ tục, vượt mức theo yêu cầu của Chính phủ. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại ở các địa phương được triển khai và thực hiện có hiệu quả, tạo thuận lợi hơn cho nhân dân và doanh nghiệp.
Tình hình an ninh nội bộ, văn hoá, tư tưởng trên địa bàn tỉnh ổn định. Mở nhiều đợt cao điểm tấn công và trấn áp các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma tuý,…Tính đến ngày 10/9, toàn tỉnh đã xảy ra 411 vụ phạm pháp hình sự, giảm 60 vụ so cùng kỳ năm trước; phát hiện 112 vụ buôn bán ma tuý, bắt giữ 130 người, thu giữ 10.071,8 gam ma tuý các loại. Tuy nhiên, số vụ trọng án hình sự tăng 16 vụ so cùng kỳ; an ninh nông thôn liên quan đến giải phóng mặt bằng ở một vài nơi trở thành điểm nóng phức tạp; ở một số DN vốn đầu tư nước ngoài vẫn xảy ra đình công đòi tăng lương và hưởng các chế độ lao động khác.
Tình hình vi phạm luật an toàn giao thông giảm; đến hết tháng 8, trên các tuyến đường bộ đã xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm chết 103 người, so với cùng kỳ năm trước, giảm 24 vụ.
Tóm lại, Trên cơ sở kết quả đạt được 9 tháng đầu năm, dự báo khả năng đạt được mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2010 là rất khả quan, là tiền đề thuận lợi để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và các năm tiếp theo.
Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt 17,8%, thu ngân sách tăng khá, bảo đảm được kế hoạch chi cho các mục tiêu; đầu tư phát triển được đẩy mạnh, huy động và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển có tiến bộ; xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, nhập siêu tiếp tục xu hướng giảm; giá cả thị trường được giữ ổn định, lạm phát được kiềm chế. An sinh xã hội được bảo đảm; các lĩnh vực xã hội được quan tâm và có nhiều tiến bộ. Cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng và mang lại hiệu quả tích cực. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh, sản xuất chăn nuôi gặp khó khăn, dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn, làng nghề còn chậm; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp,...
Từ nay đến cuối năm, đòi hỏi các cấp, các ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát các mục tiêu, tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã nêu trong các văn bản chỉ đạo của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh; nhất là Chỉ thị số 01/2010/CT-UBND ngày 12/01/2010 của UBND tỉnh về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010 để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra./.
Minh Hậu
Website tỉnh Bắc Ninh