Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/04/2011-09:12:00 AM
Ba hướng đầu tư mới tích cực của dòng vốn FDI
Nguồn vốn hướng mạnh vào các ngành chế biến, chế tạo, xuất hiện ngày càng nhiều hơn các dự án công nghệ cao, thậm chí cả trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) là những tín hiệu cho thấy khả năng thay chất cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các thiết bị khử mặn docông ty Doosan Vina tại Dung Quất chế tạo đều đượcđóng dấu “Made in Việt Nam"

Đầu năm 2011, trả lời báo chí, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phụ trách lĩnh vực đầu tư nước ngoài, khẳng định trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới, vấn đề chất lượng dự án sẽ được đặt lên hàng đầu.
Theo đó, những trọng tâm thu hút là các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, các dự án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, các dự án có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vươn lên số 1
Định hướng nói trên của các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu trở thành hiện thực, khi số liệu thu hút FDI trong quý I/2011 vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, xét theo lĩnh vực đầu tư, các ngành chế biến, chế tạo đang thu hút nhiềuFDI nhất với 1,55 tỷ USD, chiếm khoảng 65% tổng lượng FDI đăng ký.
Năm 2010, lĩnh vực này đã thu hút 5 tỷ USD trong tổng số 18,6 tỷ USD vốn đăng ký, vươn xếp thứ 2 sau lĩnh vực bất động sản. Trước đó, năm 2009, lĩnh vực này chỉ đứng ở vị trí thứ 3 với 2,2 tỷ USD vốn đăng ký, theo sau bất động sản và dịch vụ lưu trú, ăn uống.
Nhìn xa hơn, có thể thấy mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng cao. Tại Hội thảo Môi trường và Cơ hội đầu tư tại Việt Nam diễn ra cuối tháng 12/2010, ông Sung Seog Ki, Giám đốc Phòng Thương mại Đại sứ quán Hàn quốc (KOTRA) cho biết, trong chiến lược đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Hàn Quốc, ngành công nghiệp tập trung kỹ thuật như điện tử, sắt thép, linh kiện, vật liệu vẫn được coi là một trọng tâm.
Trước đó, theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) được công bố vào cuối tháng 11/2010, mối quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản trong năm 2011 tới thị trường Việt Nam cũng tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, ô tô, xe máy với khoảng 81,8% doanh nghiệp quan tâm.
Đây là dấu hiệu đáng mừng bởi ngành chế biến, chế tạo là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm, có giá trị gia tăng cao và đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.
Dự án công nghệ cao ngày một nhiều
Một hướng mới của dòng vốn FDI là số lượng và tên tuổi những nhà máy sản xuất theo công nghệ mới, công nghệ cao trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam ngày một nhiều hơn. Có thể kể đến hàng loạt các tên tuổi như Fujitsu, Samsung, Intel…
Ngoài ra, các dự án công nghệ cao này xuất hiện tương đối đồng đều tại các khu vực từ Bắc vào Nam. Tại Bắc Giang, Tập đoàn Wintek của Đài Loan cho biết trong năm nay sẽ xây dựng nhà máy đầu tiên ở Việt Nam sản xuất màn hình cảm ứng, chuyên dùng cho các sản phẩm iPad.
Tại Bắc Ninh, theo kế hoạch, nhà máy sản xuất điện thoại di động 300 triệu USD của Nokia sẽ khánh thành vào năm 2012, “sánh vai” với nhà máy của Samsung,và đang được lên kế hoạch xây dựng thành một tổ hợp công nghệ cao.
Ở phía Nam, nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời của tập đoàn công nghệ First Solar vừa được động thổ trong tuần trước. Công ty GES Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TP.HCM cũng vừa sản xuất và nâng cấp thành công2 máy phủ lớp phim trên bề mặt wafer (tạo ra tấm silicon, một phần trong các con chip điện tử), do đối tác Nhật Bản đặt hàng. Đây là 2 máy đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.
Tại Dung Quất, từ cuối tháng 3/2011, công ty Doosan Vina bắt đầu tiến hành chế tạo và lắp đặt3 thiết bị khử mặn lớn với tổng giá trị hơn 547 triệu USD (mỗi thiết bị trị giá 182,5 triệu USD). Tất cả các thiết bị được xuất khẩu sang Saudi Arabia này đều được đóng dấu “Made in Việt Nam”, cho thấy Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào khâu giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Kỳ vọng các dự án R&D
Ngòai ra, một xu hướng mớiđang được kỳ vọng sẽ giúp thay chất dòng vốn FDI vào Việt Nam mà tín hiệu đầu tiên có lẽ là Dự án Trung tâm Nghiên cứu R&D của Tập đoàn HP tại Công viên Phần mềm Quang Trung (TP.HCM), sử dụng hơn 1.000 nhân lực.
Ông Francesco Serafini, Phó chủ tịch phụ trách các thị trường mới nổi cho biết hãng chọn Việt Nam dựa trên 3 yếu tố rất quan trọng là tiềm năng thị trường, sự ủng hộ của chính quyền và khả năng đáp ứng về nguồn lao động chất lượng cao.
Mới đây, Nokia cũng đã tuyên bố sẽ dành một tỷ lệ nhất định trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam cho mục đích R&D. Báo Đầu tư trích lời ông Juha Putkiranta, Phó chủ tịch cấp cao của Nokia cho biết, ngoài việc phát triển các hoạt động sản xuất, Nokia sẽ đưa vào và phát triển các bí quyết sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam.
GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, cho rằng đây chính là điều mà Việt Nam đã chờ đợi hàng chục năm qua.
“Điều này chứng tỏ các tập đoàn lớn đã nhìn nhận Việt Nam như là một thị trường ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Họ đã không chỉ sản xuất đơn thuần, mà đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Với 3 tín hiệu nói trên, có thể thấy, cơ hội thay chất cho dòng FDI đã khá rõ ràng. Với những ưu tiên và các giải pháp mới, có thể tin rằng dòng vốn FDI trong thời gian tới chắc chắn sẽ có những diện mạo mới./.
Thu Hà
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1024
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)