Tiếp tục nâng cao uy tín trên thị trường thế giới, đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, ngành dệt may Việt Nam có nhiều thuận lợi để đạt mục tiêu xuất khẩu trên 13 tỷ USD trong năm nay.
|
Ngành dệt may Việt Nam có nhiều thuận lợi để đạt mục tiêu xuất khẩu trên 13 tỷ USD trong năm 2011
|
Uy tín mang đến thuận lợi
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 3 ước đạt 1 tỷ USD, tăng gần 2 lần so với tháng 2 (533 triệu USD). Dệt may cũng là mặt hàng xuất khẩu duy nhất đạt kim ngạch 1 tỷ USD trong tháng 3. Tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may nước ta đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ 2010.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, đây là 3 thị trường chính, rất quan trọng đối với bất kỳ một nhà xuất khẩu dệt may nào. Năm 2010, Việt Nam là nhà xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 vào thị trường Mỹ, đứng thứ 3 ở thị trường Nhật Bản và thị trường châu Âu.
Mặc dù ngành Dệt may thế giới giảm sâu 12-15%, nhưng dệt may Việt Nam vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu không giảm, mà ngược lại còn tăng được thị phần vào cả 3 thị trường này.
Ông Lê Tiến Trường nhận định, điều đó khẳng định, vị thế của dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới đã được nâng lên rất nhiều.
Đặc biệt, trong năm 2011, khi nhiều ngành công nghiệp khác còn đang chật vật lo đơn hàng cho năm mới thì nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu đã có đơn hàng đến hết quý II. Và trong điều kiện thuận lợi này, các doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong đàm phán giá cả với khách hàng.
Theo các chuyên gia, sở dĩ các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có được hợp đồng sớm cho năm 2011 là do các nhà đặt hàng tìm thấy sự tin tưởng về chất lượng tay nghề, giá cả phù hợp cho sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế với tiến độ giao hàng đúng hạn.
Nội địa hóa để tăng giá trị mặt hàng
Tại hội nghị bàn phương hướng phát triển ngành dệt may năm 2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu ngành trong năm 2011 đẩy mạnh đầu tư theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm mục tiêu giá trị gia tăng đạt từ 60% trở lên. Trong đó, chú trọng tới đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ, năng lực quản lý, tiếp tục duy trì ở Top 5 và tiến lên Top 3 trên thế giới về xuất khẩu.
Năm 2011, ngành dệt may phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng 20%, thu nhập bình quân tăng 10% và doanh thu tăng 18% so với năm 2010.
Theo đại diện của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, không phải đợi đến khi có chỉ đạo của Chính phủ thì ngành dệt may mới quan tâm tới vấn đề gia tăng giá trị mặt hàng. Với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ nhiều năm nay vấn đề nội địa hóa được Tập đoàn rất coi trọng.
Đến năm 2010, Tập đoàn đã nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 49%. Dự kiến đến năm 2015, sẽ đưa tỉ lệ nội địa hóa dệt may lên 60%, chủ động được bài toán nguyên liệu.
Tập trung cho các nhu cầu cốt lõi, Vinatex đã mạnh tay đầu tư cho công nghệ xơ sợi. Cụ thể, tháng 7/2011, sẽ đưa vào vận hành nhà máy sản xuất sơ Đình Vũ (Hải Phòng). Dự kiến đến 2014, ngành sơ sẽ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu trong nước.
Dệt may Việt Nam đã xác định chiến lược phát triển là đi bằng cả “2 chân”, cả nội địa và xuất khẩu. Gần đây, rất nhiều công ty dệt may trong nước đã có chiến lược riêng cho thị trường nội địa, chiến lược về xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi cửa hàng, siêu thị tập trung để quảng bá và tiêu thụ nội địa…
Công Trí
Cổng thông tin điện tử Chính phủ