Chính phủ Trung Quốc ngày 14/6 cho biết, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng Năm đã tăng lên mức cao nhất trong gần ba năm qua, bất chấp những nỗ lực nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá của thực phẩm và bất động sản.
|
Tại đường phố sầm uất ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc
|
Theo các số liệu chính thức, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm của Trung Quốc đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 5,3% của tháng Tư và tăng so với mục tiêu 4,0%/năm của chính phủ. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 khi CPI tăng 6,3%.
Số liệu này càng làm tăng đồn đoán về khả năng Chính phủ Trung Quốc tiếp tục siết chặt thêm chính sách tiền tệ trong những tuần tới do các nhà chức trách sẽ nỗ lực chặn lại luồng tín dụng khổng lồ đang chảy vào nền kinh tế.
Sheng Laiyun, phát ngôn viên của Cơ quan Thông kê quốc gia Trung Quốc cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này "vẫn đang phải đối mặt với sức ép lạm phát to lớn" và cần phải thực thi các giải pháp kiềm chế đà tăng giá cả.
Trong khi đó, chiến lược gia cấp cao của ngân hàng Royal Bank of Canada, Brian Jackson cho rằng, có thể Bắc Kinh sẽ có một đợt tăng lãi suất mới vào trước cuối tháng Sáu này và một đợt khác vào quý III.
Theo chiến lược gia này, sức ép giá cả có thể dịu đi vào cuối năm song trong ngắn hạn vẫn rất căng thẳng. Ông cũng cho rằng, Bắc Kinh cần tiếp tục tăng giá Nhân dân tệ so với USD như một trong những nỗ lực kiểm soát lạm phát.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng Năm tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2010, nhưng giảm nhẹ so với mức tăng 13,4% của tháng Tư, chủ yếu do các nhà máy bị cắt điện và các ngân hàng giảm cho vay tín dụng.
Đầu tư vào tài sản cố định trong giai đoạn từ tháng 2-5 tăng 25,8% so với cùng kỳ, doanh số bán lẻ tháng Năm tăng 16,9%.
Ngoài sản lượng công nghiệp, còn một số chỉ số khác cũng cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng Năm, như doanh số bán xe ôtô sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp, các khoản cho vay mới giảm nhiều hơn dự kiến và hoạt động chế tạo mất động lực.
Một số nhà phân tích lo ngại rằng, các nhà chức trách có thể sẽ đi quá xa trong nỗ lực làm nguội nền kinh tế - vẫn tăng trưởng tới 9,7% trong quý I vừa qua, và các biện pháp siết chặt có thể sẽ châm ngòi cho một sự sụt giảm mạnh.
Ngoài việc tăng lãi suất, Bắc Kinh cũng đã liên tục yêu cầu các ngân hàng tăng dự trữ bắt buộc để ghìm lại tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, nhà kinh tế Lu Ting thuộc Ngân hàng trung ương Mỹ cho rằng "một sự sụt giảm mạnh là khả năng khó có thể xảy ra."./.