Bộ Tài chính Mỹ mới đây cho biết thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ trong 8 tháng đầu tài khóa 2011 (kết thúc vào 30/9/2011) đã ở mức 927,4 tỷ USD, đồng thời dự báo thâm hụt ngân sách nước này trong cả năm tài khóa này có nguy cơ sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD trong năm thứ 3 liên tiếp.
Điều này sẽ tạo sức ép lên Quốc hội Mỹ và Chính quyền của Tổng thống Obama trong việc đưa ra những biện pháp nhằm kiềm chế chi tiêu công.
Năm 2009, thâm hụt ngân sách Mỹ đã ghi nhận mức cao kỷ lục 1.410 tỷ USD. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng nhiều khả năng thâm hụt ngân sách trong năm nay sẽ vượt qua mức tương ứng 1.290 tỷ USD năm 2010, thậm chí có nguy cơ sẽ lập kỷ lục mới và đứng ở mức 1.650 tỷ USD.
Tính riêng trong tháng 5/2011, thâm hụt ngân sách Mỹ lên tới 57,6 tỷ USD, tăng so với mức tương ứng 40,4 tỷ USD của tháng trước đó, song vẫn giảm mạnh so với mức thâm hụt 135,9 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, sự cải thiện này chủ yếu là nhờ khoản dự toán trị giá 45 tỷ USD nằm trong gói cứu trợ tài chính của Chính phủ.
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ đã chỉ ra rằng số người có việc làm tại Mỹ và các khoản thu từ thuế của Chính phủ trong tài khóa 2011 đã được cải thiện đáng kể, cho thấy một dấu hiệu tích cực. Trong khi đó, tổng thu nhập quốc gia của Mỹ trong 8 tháng đầu tài khóa cũng tăng 10,3% so với cùng kỳ tài khóa 2010, đạt 1.480 tỷ USD. Tuy nhiên, chi tiêu Chính phủ trong cùng kỳ lại lên tới 2.410 tỷ USD, còn tổng các khoản nợ quốc gia cũng tăng 13,6%, lên mức 165,3 tỷ USD.
Tình trạng thâm hụt ngân sách Mỹ gia tăng chính là nguyên nhân dẫn tới các cuộc tranh luận gay gắt giữa hai Đảng nước này trong thời gian gần đây. Đảng Cộng hòa cho rằng Nhà Trắng cần phải cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ, trong khi Chính quyền Obama và Đảng Dân chủ lại lập luận rằng cắt giảm chi tiêu quá lớn sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phục hồi kinh tế Mỹ, hiện vẫn còn mong manh.
Kết quả cuộc thăm dò ý kiến mới đây do ABC News thực hiện đã cho thấy đa số người dân Mỹ cho rằng nước này có thể bị thiệt hại nghiêm trọng nếu Quốc hội không mở rộng quyền hạn vay của Chính phủ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Tim Geithner đã nhiều lần kêu gọi Quốc hội Mỹ tăng hạn mức nợ theo luật định một cách kịp thời, giúp nước này tránh được những hậu quả về kinh tế thị trường.
Trong khi đó, đảng cầm quyền cho biết sẽ nỗ lực hạn chế thâm hụt ngân sách thông qua việc cắt giảm chi tiêu, kết hợp với việc rút lại các chương trình giảm thuế cho người thu nhập cao, các biện pháp đã từng được áp dụng lần đầu tiên dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ, George W. Bush./.