Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/11/2011-13:31:00 PM
Hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống rửa tiền
Luật Phòng, chống rửa tiền cùng với Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng sẽ tạo thành hệ thống pháp luật phòng, chống rửa tiền, phòng chống tham nhũng có hiệu quả, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền như tờ trình của Chính phủ

Chiều 4/11, Quốc hội đã nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền; nghe Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hộiNguyễn Hạnh Phúctrình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền như Tờ trình của Chính phủ.
Tội rửa tiền đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, tuy nhiên các quy định về phòng và xử lý bằng biện pháp hành chính mới được quy định trong các văn bản dưới luật. Khuôn khổ pháp lý cơ bản hiện nay về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam là Nghị định 74/2005NĐ-CP. Mặc dù Nghị định này đã đáp ứng được những yêu cầu trong công tác phòng chống, rửa tiền thời gian qua, song so với tình hình mới và yêu cầu hội nhập, các quy định tại Nghị định chưa đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, tạo tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khó khăn cho tổ chức cá nhân, tổ chức Việt Nam kinh doanh tại nước ngoài.
Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền có 5 chương và 53 điều.
Về phạm vi điều chỉnh, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng nên giữ tên gọi dự thảo Luật như hiện nay và chuyển các nội dung liên quan đến tài trợ khủng bố sang dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2013.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng phạm vi điều chỉnh cần bao gồm cả các quy định về phòng ngừa hoạt động tài trợ khủng bố, vì chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là hai lĩnh vực có nhiều điểm tương đồng.
Đa số các ý kiến từ Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng nên tán thành với loại ý kiến thứ nhất, tuy nhiên trong Luật cần có một điều quy định nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài trợ khủng bố, việc xử lý cụ thể do Luật Phòng, chống khủng bố quy định.
Liên quan đến một số vấn đề cụ thể như mức giá trị giao dịch phải báo cáo, dự thảo Luật không quy định cụ thể, mà chỉ quy định có tính nguyên tắc về giao dịch có giá trị lớn và giao Ngân hàng Nhà nước quy định mức cụ thể. Có ý kiến kiến nghị cân nhắc vấn đề này, bởi giao dịch với giá trị lớn không hẳn đã là rửa tiền. Mặt khác, nếu quy định tiêu chí giá trị lớn thì khách hàng sẽ chia tài sản có giá trị lớn thành nhiều khoản nhỏ, khi đó việc phòng, chống rửa tiền có thể sẽ bỏ sót các hành vi này. Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cần quy định trong Luật về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, song thay vì giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định nên giao cho Thủ tướng quy định.
Liên quan đến cơ quan phòng, chống rửa tiền, dự thảo Luật quy định là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ủy ban Kinh tế tán thành với quy định này, song cũng lưu ý đây chỉ là cơ quan đầu mối, việc phòng, chống rửa tiền trong các ngành, lĩnh vực phải do các cơ quan chuyên ngành trực tiếp thực hiện. Cũng theo Ủy ban, quy định về cơ cấu, tổ chức như trong dự thảo còn đơn giản, chưa khẳng định rõ địa vị pháp lý của cơ quan phòng chống rửa tiền.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, với quan điểm cần được xây dựng đồng bộ với các Luật liên quan, dự thảo Luật Phòng, chống rửa cần có quy định về cơ chế, biện pháp phòng, chống rửa tiền áp dụng với các tổ chức tài chính, cá nhân tổ chức kinh doanh ngành nghề tài chính có liên quan./.
Linh Đan
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1480
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)