Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/10/2011-13:42:00 PM
Thành ủy Hà Nội thảo luận về phòng chống tham nhũng, lãng phí

“Phòng là chính” là mục tiêu và cũng là giải pháp sẽ được Thành phố Hà Nội quan tâm nhiều hơn trong giai đoạn tới để đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí.
Ngày 4/10, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội tập trung thảo luận và cho ý kiến vào Chương trình “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011-2015” - một trong 9 chương trình công tác trọng tâm của Đảng bộ Thành phố khóa XV.
Chưa đáp ứng yêu cầu
Từ 11/2006 đến 5/2011, Hà Nội đã tiến hành truy tố trước pháp luật 93 vụ việc với 215 bị can về tội danh tham nhũng. Từ năm 2007 đến 2010, Thành phố đã tiết kiệm chi thường xuyên đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp được gần 2.000 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thành ủy Hà Nội cho rằng, thời gian qua hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô.
Nhìn chung, nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số ấp ủy, một số bộ phận cán bộ, đảng viên của Thành phố đối với công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa thật đầy đủ, thiếu sâu sắc. Việc phát hiện tham nhũng, lãng phí trong nội bộ các cơ quan, đơn vị còn hạn chế; một số cán bộ đảng viên, chuyên viên còn lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, tiêu cực, nhất là trên các lĩnh vực: quản lý nhà nước về đất đai, phê duyệt dự án, đầu tư xây dựng cơ bản, thuế, giao thông, kể cả trong y tế, giáo dục. Tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng, sử dụng tài sản công còn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cập.
Theo Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Lê Văn Hoạt, tình trạng nhũng nhiễu trong khi thực thi công vụ hiện khá phổ biến trong đội ngũ cán bộ, công chức ở Thành phố. Lãng phí cũng đang diễn ra “muôn hình vạn trạng”, trong đó lãng phí trong cấp đất, đầu tư, hội họp là rất lớn.
Bí thư Huyện uỷ Hoài Đức Khuất Văn Thành cho rằng, có những dự án sử dụng đất gần 200 ha, nhưng 5 - 6 năm nay chưa sử dụng, đây là sự lãng phí rất lớn.
Tăng cường quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai
Chủ tịch MTTQ Thành phố Hà Nội Đào Văn Bình kiến nghị, Thành phố cần công khai minh bạch quy chế đầu tư xây dựng cơ bản. Đồng thời, phát huy lực lượng thanh tra nhân dân và xây dựng đội ngũ giám sát đầu tư cộng đồng.
Cho rằng việc khen thưởng có tác dụng động viên rất lớn với những cá nhân có thành tích chống tham nhũng, tiêu cực, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cũng đề nghị Thành phố cố gắng bảo đảm thu nhập hợp lý, chính đáng cho công chức, viên chức. Theo ông Sáng, mức lương hiện nay cũng là nguyên nhân của tham nhũng. Ông Sáng cho rằng, trong phạm vi thẩm quyền, Thành phố có thể nghiên cứu, khắc phục bất cập này.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Thành phố thời gian qua còn hạn chế do công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn ít, mang tính định kỳ; có vụ việc chưa xử lý kiên quyết, chưa kịp thời.
Thời gian tới, trên cơ sở rà soát toàn bộ các dự án BT (xây dựng-chuyển giao), UBND Thành phố Hà Nội sẽ báo cáo Thường trực Thành uỷ, quản lý chặt chẽ để phòng chống tham nhũng thất thoát. Đồng thời, UBND Thành phố sẽ xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Quyết định 37/2010/QĐ-UBND nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, chặt chẽ hơn, gắn với chống tham nhũng, thất thoát lãng phí.
Ông Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh sự nhất trí với kiến nghị của nhiều đại biểu về giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Muốn đẩy lùi tham nhũng, phải chú trọng vào các giải pháp để phòng là chính. Thành phố sẽ kiến nghị với Trung ương về chế tài và biện pháp thực thi đối với việc kê khai tài sản, khen thưởng, khuyến khích, bảo vệ người tố cáo để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Bên canh đó, Hà Nội sẽ tập trung hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, công tác cán bộ; tiếp tục thực hiện hợp lý quá trình cải cách tiền lương góp phần chống tham nhũng, lãng phí.
Đồng thời, thường xuyên nắm bắt kịp thời dư luận và báo chí để xem xét xử lý. Ví dụ một sở, cơ quan nào đó có dư luận phát hiện dấu hiệu vi phạm, Thành phố sẽ sớm vào cuộc xem xét, kiểm tra, xử lý ngay để phòng ngừa được, hạn chế sai phạm./.
Việt Hà
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1285
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)