Nhằm giới thiệu với các doanh nghiệp Ai Cập nông-lâm-thủy sản của Việt Nam, ngày 26/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo "Tăng cường hợp tác nông, thủy sản Việt Nam-Ai Cập" tại thủ đô Cairo của Ai Cập.
|
Chế biến nông sản xuất khẩu
|
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Ai Cập trong năm qua đạt hơn 200 triệu USD, tăng 24%, trong đó thủy sản xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng và những thông tin bất lợi trước đây về chất lượng thủy sản Việt Nam tại Ai Cập, mức tăng này là dấu hiệu hết sức tích cực đối với tiềm năng hợp tác giữa hai bên, đồng thời thể hiện uy tín và chất lượng của thủy sản Việt Nam đối với người tiêu dùng Ai Cập.
Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, kết quả này đạt được nhờ công tác xúc tiến thương mại hiệu quả thông qua trao đổi thông tin và các đoàn công tác, giúp Ai Cập hiểu rõ hơn về các sản phẩm của Việt Nam. Ai Cập đánh giá cao quá trình nuôi trồng thủy sản cũng như chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Quy trình sản xuất nông-lâm-thủy sản của Việt Nam thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Tại hội thảo, ông Hosam Baharia, Trưởng phòng Đối ngoại thuộc Liên đoàn các phòng thương mại Ai Cập cho rằng quan hệ thương mại hai bên sẽ phát triển nhanh vì nhu cầu của thị trường Ai Cập rất lớn, nhất là đối với các mặt hàng nông sản như càphê, chè. Với chủng loại phong phú và chất lượng cao, hàng Việt Nam đáp ứng nhu cầu thưởng thức những hương vị khác nhau của người tiêu dùng Ai Cập.
Hơn nữa, Ai Cập còn là cầu nối giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường khu vực Trung Đông. Ông Baharia cho biết các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở văn phòng đại diện và xin giấy phép chế biến, nuôi trồng nông-lâm-thủy sản tại Ai Cập để hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi xuất khẩu của Ai Cập sang các thị trường lớn khác.
Với dân số khoảng 85 triệu người, Ai Cập được các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá là thị trường lớn. Ngoài việc tiếp tục giới thiệu thủy sản, các doanh nghiệp Việt Nam còn kỳ vọng đưa các sản phẩm nông nghiệp khác như hạt điều, hạt tiêu, càphê... thâm nhập thị trường này cũng như khu vực Trung Đông.
Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam liên tục tăng. Tính đến cuối năm 2009, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt gần 16,5 tỷ USD, trong đó thủy sản đạt 4,5 tỷ USD, gạo đạt gần 2,9 tỷ USD, cà phê 2,1 tỷ USD, chè 146 triệu USD, hạt điều trên 900 triệu USD...
Thủy sản Việt Nam đã mở rộng ra trên 150 nước và vùng lãnh thổ, trong khi nông-lâm sản cũng đã có mặt tại hầu hết các khu vực. Tuy nhiên, thị phần nông-lâm-thủy sản Việt Nam tại các nước Bắc Phi, nhất là Ai Cập, vẫn ở mức rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hai bên.
Trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến thương mại, từ 25-28/9, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia Triển lãm quốc tế nông nghiệp và lương thực tại Cairo. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, tiềm năng và thế mạnh các sản phẩm của Việt Nam./.