Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/07/2011-23:37:00 PM
Tọa đàm với các doanh nghiệp Aichi - Nhật Bản
(MPI Portal) – Chiều ngày 11/07/2011, Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Công nghiệp và Lao động tỉnh Aichi – Nhật Bản tổ chức Tọa đàm với các doanh nghiệp Aichi tại khu vực phía Bắc Việt Nam.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những chính sách mới trong môi trường đầu tư tại Việt Nam; chính sách kinh tế vĩ mô như lạm phát, ngoại hối… và những ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; vấn đề cơ sở hạ tầng tại miền Bắc của Việt Nam; chính sách về ngành công nghiệp ô tô.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 6/2011, Nhật Bản đã có 1.552 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký lũy kế là 21,36 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2011, đã có 86 dự án đăng ký mới với tổng số vốn đầu tư 303 triệu USD.
Tỉnh Aichi là một trong những trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn tại miền Trung Nhật Bản. Các doanh nghiệp tỉnh Aichi đã tiến hành các hoạt động đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm, cho đến nay đã có trên 80 doanh nghiệp đến từ tỉnh Aichi đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có 35 doanh nghiệp tại khu vực phía Nam và khoảng 45 doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và biến động phức tạp, kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực, về cơ bản cho thấy hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng của Ngân hàng Nhà nước theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, Phó Trưởng ban Tổng hợp, Viện Chiến lược, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tập trung vào một số mục tiêu cụ thể. Theo đó, mục tiêu về phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 là khối lượng vận tải toàn vùng sẽ đạt khoảng 450 – 500 triệu tấn hàng hóa và 700 – 800 triệu hành khách/năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 9 – 10%/năm, trong đó lượng hành hóa thông qua các cảng biển trong vùng là 115 – 116 triệu tấn/năm; lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong vùng là 25 triệu hành khách/năm.
Về kết cấu hạ tầng, mục tiêu đến năm 2020 là đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống quốc lộ hiện có; đẩy nhanh tốc độ xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc, phấn đấu hoàn thành khoảng 500km đường bộ cao tốc. Đồng thời, đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường tỉnh và mở mới một số tuyến cần thiết; hoàn thành cải tạo, nâng cấp mạng đường sắt hiện có đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp 1; từng bước nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng biển đáp ứng lượng hàng hóa thông qua trong từng thời kỳ; tập trung xây dựng ,ột số bến cảng nước sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thành và đưa vào cấp kỹ thuật đảm bảo chạy tàu 24/24 hệ thống các tuyến đường thủy nội địa đang quản lý, đồng thời phấn đấu tăng chiều dài đường thủy nội địa được quản lý; nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không.
Việt Nam mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là điện. Việt Nam ưu tiên những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng.
Đối với vấn đề xử lý chất thải, Việt Nam mong muốn có sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản là những nhà đầu tư có công nghệ hiện đại.
Buổi tọa đàm là cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh Aichi tìm hiểu thêm về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, cập nhật những chính sách mới của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là những chính sách về ngành công nghiệp ô tô, một ngành công nghiệp thế mạnh của Nhật Bản./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1017
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)