Nếu tính theo tốc độ tăng tháng sau so với tháng trước, thì CPI tháng 4 đã được các chuyên gia cho là “đỉnh” của năm 2011 và tốc độ tăng của các tháng từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại.
Điều này căn cứ từ nhiều nguyên nhân.
Có nguyên nhân do giá vàng trên thế giới sau khi liên tiếp đạt đỉnh mới, nay đã trở về chỉ còn trên dưới 1.500 USD/ounce, giảm sức ép tăng giá vàng ở trong nước. Điều quan trọng là thị trường ngoại tệ tự do đã bị thu hẹp đáng kể; tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do đã giảm khá mạnh, có lúc về còn dưới mức của thị trường chính thức; trên thị trường chính thức giao dịch cũng thấp hơn mức trần của tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng theo công bố của Ngân hàng Nhà nước. Cung-cầu ngoại tệ đã được cải thiện sau nhiều động thái của Ngân hàng Nhà nước (khống chế trần lãi suất huy động USD không quá 3%/năm, tăng dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ…), sự đồng thuận của các doanh nghiệp, cá nhân (bán USD cho ngân hàng, giảm giao dịch trực tiếp USD,…).
Có nguyên nhân do giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm. Chỉ số S&P GSCI tổng hợp cho 24 loại hàng hóa (được coi như thước đo tín hiệu lạm phát toàn cầu) đã giảm 6,5%. Nhập khẩu lạm phát trong điều kiện lạm phát thế giới tăng là một yếu tố cộng hưởng quan trọng; nay lạm phát trên thế giới giảm sẽ giảm sức ép đến nhập khẩu lạm phát.
Có nguyên nhân do giá USD tăng lên (USD-index tăng từ 73,1 điểm lên trên 74,6 điểm). Tỷ giá Nhân dân tệ/USD giảm xuống, hiện còn khoảng 6,4941 Nhân dân tệ/USD. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Đây là thời cơ để Việt Nam tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu và giảm nhập siêu và cũng giảm áp lực tăng tỷ giá VND/USD, giảm áp lực đối với việc khuếch đại lạm phát ở trong nước- một yếu tố quan trọng làm tăng lạm phát trong thời gian qua.
Có nguyên nhân về mặt tiền tệ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã tăng thêm lãi suất tái cấp vốn (từ 13%/năm lên 14%/năm) và lãi suất chiết khấu (từ 12%/năm lên 13%/năm) trên thị trường mở.
Có nguyên nhân do giá xăng dầu đã được cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý giá chưa cho điều chỉnh, nay giá thế giới giảm. Có nguyên nhân do giá một số loại thực phẩm tươi sống, giá đường không tăng, thậm chí còn giảm.
Có nguyên nhân do các biện pháp kiềm chế lạm phát, với độ trễ của nó, đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Có nguyên nhân quan trọng là tâm lý - một trong những yếu tố tác động lớn đến việc tăng giá vừa qua- đã dịu lại, biểu hiện ở chỗ người dân giảm găm giữ vàng, ngoại tệ, chỉ số chứng khoán giảm, thị trường bất động sản giảm nhiệt.
Mặc dù vậy, chúng ta chưa thể chủ quan, thỏa mãn với kết quả đã đạt được, cần phải nghiêm túc, nhất quán, kiên trì, đồng bộ thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát./.
Minh Ngọc
Cổng thông tin điện tử Chính phủ