Ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, viễn thông Đỗ Trung Tá đã ký ban hành các Quyết định số 13/2007/QĐ-BBCVT, 14/2007/QĐ-BBCVT và 15/2007/QĐ-BBCVT phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Nam và Bắc Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Thành phố Đà Nẵng sẽ là hạt nhân phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của khu vực Miền Trung
Nhằm phát triển miền Trung thành một vùng kinh tế năng động của cả nước, bảo đảm vai trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên, sẽ xây dựng tại đây một cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, dung lượng và tốc độ lớn, độ tin cậy cao. Chú trọng phát triển các dịch vụ viễn thông (DVVT) phục vụ kinh tế biển, đánh bắt hải sản xa bờ, phục vụ hàng hải, quản lý an toàn cứu nạn theo phân vùng trách nhiệm quốc tế. Đẩy mạnh việc mở rộng vùng phủ sóng thông tin di động ở nông thôn. Phấn đấu đến năm 2010, 100% số xã có điểm truy nhập dịch vụ điện thoại công cộng, 100% số huyện và hầu hết các xã trong vùng được cung cấp Internet băng rộng, mật độ điện thoại cố định đạt 40-45 máy/100dân. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đạt khoảng 400-500 triệu USD, chiếm khoảng 0,5%-1% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng. Theo đó, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm DVVT chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ và hoạt động có hiệu quả của miền Trung và của cả nước.
Định hướng đến năm 2020, miền Trung sẽ được phát triển mạnh mạng thế hệ sau (NGN) nhằm cung cấp đa dịch vụ trên một hạ tầng thống nhất. Tiến tới mức độ sử dụng các DVVT đạt mức của các nước công nghiệp phát triển. Tỷ lệ sử dụng DVVT tại nông thôn ngang bằng với thành thị. Phấn đấu trước năm 2015, CNTT trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của vùng với tốc độ tăng trưởng cao, phát triển bền vững.
Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm DVVT chất lượng cao, tầm cỡ quốc tế
Phát triển viễn thông và CNTT sẽ góp phần đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn của đất nước và khu vực Đông Nam Á. Phía Nam sẽ phát triển các DVVT phục vụ kinh tế biển, công nghiệp dầu khí. Duy trì tốc độ tăng trưởng toàn vùng cao hơn so với bình quân cả nước, đạt từ 20-30%. Đến năm 2010 mật độ điện thoại toàn vùng đạt 70-76 máy/100 dân; 100 số huyện và hầu hết các xã được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp CNTT đạt 3,4-3,7 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng.
Định hướng đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có các mạng viễn thông di động phát triển tiến tới hệ thống thông tin di động thế hệ 3G và các thế hệ tiếp theo và vùng này sẽ trở thành một trung tâm về sản xuất linh kiện điện tử, phần mềm ở khu vực Đông Nam Á. Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp CNTT mạnh ở khu vực Đông Nam Á, có DVVT chất lượng cao mang tầm cỡ quốc tế.
Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành trung tâm công nghiệp CNTT ở khu vực Đông Nam Á
Bắc Bộ sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, dung lượng và tốc độ lớn, độ tin cậy cao. Phổ cập dịch vụ điện thoại và Internet đến thôn vào năm 2010. Thu hẹp khoảng cách về sử dụng dịch vụ giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Bảo đảm 100% số xã có điểm truy cập Internet công cộng, 100% số huyện và hầu hết các xã trong vùng được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng. Đến năm 2010, mật độ điện thoại vùng đạt 65-70 máy/100 dân. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp CNTT đạt 2-3 tỷ USD, chiếm khoảng 8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng. Theo đó, tập trung phát triển mạnh công nghiệp CNTT tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, tiến tới đưa Hà Nội từng bước trở thành trung tâm công nghiệp CNTT và đồng thời trở thành trung tâm sản xuất linh kiện điện tử và phần mềm ở khu vực Đông Nam Á.
Phấn đấu trước năm 2015, công nghiệp CNTT trở thành một ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng cao, ổn định và hoàn thành việc xây dựng các công trình lớn về kết cấu hạ tầng thông tin để gắn kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các vùng lân cận, đặc biệt là vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Nam sông Hồng. Xây dựng và phát triển Việt Nam điện tử với công dân điện tử, chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch điện tử./.
Mai Hương
Cổng thông tin điện tử Chính phủ