Thành phố Cảng Hải Phòng có vị trí quan trọng về kinh tế-xã hội và an ninh-quốc phòng của vùng Đông Bắc Bộ và cả nước; nằm trên hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam-Trung Quốc, một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hải Phòng với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi là cửa ngõ ra biển quan trọng bậc nhất của các tỉnh phía Bắc, với hệ thống cảng biển phát triển từ rất sớm, trong những năm gần đây, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Hải Phòng tăng trưởng nhanh và ổn định.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng cùng với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ GTVT và lãnh đạo Thành phố Hải Phòng đã nhận thấy sự cấp thiết của việc quy hoạch và xây dựng một cảng cửa ngõ quốc tế với cơ sở hạ tầng và công nghệ bốc xếp đồng bộ, hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn hoạt động trên tuyến biển xa; có thể đưa hàng hóa XNK của khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ, góp phần giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa XNK.
Tại Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng Hải Phòng là cảng cửa ngõ quốc tế loại 1-A, là cảng tổng hợp quốc gia, trong đó, khu bến Lạch Huyện là khu bến đặc biệt quan trọng nhằm khởi động cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Dự án xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng-Lạch Huyện cũng nằm trong danh mục các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu giai đoạn đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 11/4/2007, với mục tiêu“phát triển cảng Hải Phòng tại khu bến Lạch Huyện để có thể tiếp nhận cỡ tàu tới 100.000 DWT (tàu container 8.000 TEU), tạo sức hấp dẫn với thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ”.
Hiện nay, với hệ thống luồng tàu qua cửa Lạch Huyện đến kênh Hà Nam chỉ đáp ứng cho tàu biển trọng tải đến 10.000 tấn đầy tải; các bến cảng khu vực Đình Vũ, Sông Tranh được quy hoạch và đầu tư xây dựng cho tàu biển trọng tải 20.000 - 40.000 DWT. Do vậy, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu khai thác của cảng Lạch Huyện nói riêng mà còn phục vụ cho toàn bộ hệ thống cảng khu vực Đình Vũ, Bạch Đằng, Sông Cấm, Sông Tranh ở phía thượng lưu.
Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là hết sức cần thiết và cấp bách. Sau thời gian nghiên cứu hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt Dự án, trong đó giao Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư Hợp phần A; liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và đối tác Nhật Bản được Chính phủ Nhật Bản giới thiệu thực hiện Hợp phần B Dự án.
Quy mô Hợp phần A Dự án gồm các hạng mục chính:
+ Luồng tàu và vũng quay tàu: Luồng một chiều có chiều rộng 160m, độ sâu chạy tàu -14,0m, vũng quay trở tàu có đường kính 660m, phục vụ tàu biển trọng tải 50.000 DWT và tàu container 100.000 DWT ra vào.
+ Công trình bảo vệ cảng, luồng tàu: Đê chắn sóng có chiều dài 3.220m, cao trình đỉnh đê +6,50m; đê chắn cát có chiều dài 7.600m, cao trình đỉnh đê +2,0m.
+ Một số hạng mục khác, gồm: Bến công vụ, đường bãi khu vực hành chính và công trình kiến trúc khu vực cơ quan quản lý nhà nước.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 18.627 tỷ, thực hiện bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến 52 tháng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2016.
Hợp phần B của Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.572 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức công tư (PPP) kết hợp, bao gồm các hạng mục chính:
+ 02 bến container: chiều dài 750m, rộng 45m, cao độ đáy bến -16,5m
+ Bến sà lan: cho sà lan cho tàu container sức chở 100 TEU
+ Công trình kiến trúc và mạng công trình kỹ thuật
+ Thiết bị công nghệ: cần cẩu, thiết bị trên bến ...
Với trách nhiệm là chủ đầu tư Dự án, ngay từ khi được Bộ GTVT giao nhiệm vụ, Cục HHVN đã xác định Dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, cấp bách của ngành Hàng hải nói riêng và giao thông vận tải nói chung. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ GTVT, sự phối hợp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cục HHVN và các đơn vị liên quan đã tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương tổ chức thực hiện các bước rà soát dự án, lập thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây dựng; phối hợp với UBND TP. Hải Phòng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường... Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn thành, đủ điều kiện để chính thức khởi công Dự án với gói thầu đầu tiên - Gói thầu số 6: Đê chắn sóng đoạn A; kè bảo vệ; tường chắn đất; tôn tạo xử lý nền; bến công vụ; đường sau cảng; hạ tầng điện nước với giá trị gói thầu khoảng 3.950 tỷ đồng.
Đơn vị thi công: Liên danh Penta-Ocean và TOA Corporation; tư vấn giám sát: Liên danh Công ty tư vấn Nippon Koei - Công ty Japan Port Consultants Ltd (Nhật Bản) - Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển (Port coast) - Công ty TNHH Nippon Koei Việt Nam.
Với kinh nghiệm của các nhà thầu Nhật Bản đã nhiều năm thi công công trình biển trên thế giới và tại Việt Nam, Cục HHVN tin tưởng và đề nghị các nhà thầu phát huy năng lực và uy tín của mình, tập trung triển khai thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ theo hợp đồng đã ký.
Với trách nhiệm chủ đầu tư, Cục HHVN đã hứa và cam kết với Thủ tướng, Bộ GTVT, UBND TP. Hải Phòng, các bộ, ngành sẽ tập trung mọi nguồn lực, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan triển khai thi công Gói thầu số 6 - Hợp phần A đảm bảo chất lượng, tiến độ với mục tiêu hoàn thành toàn bộ Dự án để đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất./.