Với chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn… đối với ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã khiến nhiều ngân hàng chuyển hướng tập trung mạnh vào phục vụ những khách hàng khu vực này.
Ngân hàng hướng về nông thôn
Từ trước đến nay, kênh dẫn vốn chính của khu vực nông nghiệp, nông thôn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với tổng dư nợ cho vay nông nghiệp đạt 70% tổng dư nợ tín dụng. Sau khi có Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn ban hành tháng 4/2010, nhiều ngân hàng bắt đầu có các dự án hướng tới khu vực kinh tế quan trọng này.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, năm 2010, Ngân hàng Công Thương (VietinBank) đã có dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn lên đến 35.000 tỷ đồng. Hiện tỷ lệ cho vay khu vực phi sản xuất của VietinBank ở mức 9%, cả năm sẽ khống chế dưới 10%. Ngân hàng này đã dành 8-10 ngàntỷ đồng cho vay nông nghiệp nông thôn. Tương tự, năm 2011, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ưu tiên vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng mới thành lập cũng đã hướng tới thị trường này. Ngân hàng Liên Việt (LienViet Bank) đã triển khai đề án đầu tư phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2010-2013 với doanh số cho vay dự kiến 5.000 tỷ đồng. Đề án này được thí điểm đầu tiên tại Hậu Giang rồi mở dần ra nhiều tỉnh ĐBSCL khác cho vay khép kín, bảo đảm liên kết “5 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp và nhà nông.
TienphongBank – một ngân hàng mới tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng cho hay, nửa cuối năm 2011 sẽ đẩy mạnh cho vay đi kèm sàng lọc và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tập trung tài trợ vốn lưu động cho sản xuất, xuất khẩu đặc biệt trong lĩnh vực tam nông.
Theo nhận định của NHNN, với mục tiêu hỗ trợ nhằm đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, chính sách tín dụng khu vực này cũng đã tạo điều kiện cho những hộ nông dân nghèo và các đối tượng khác được tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng một cách nhanh chóng.
Lợi nhuận thấp nhưng an toàn
NHNN vẫn ưu tiên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho những ngân hàng có dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Trong năm nay với các ngân hàng phục vụ lĩnh vực này, NHNN cũng dành một khoản để tái cấp vốn trung và dài hạn.
Các chuyên gia nhìn nhận, tín dụng nông nghiệp đem lại lợi nhuận cho ngân hàng không cao, song trong bối cảnh liên tục 3 năm trở lại đây đều phải thắt chặt chính sách tiền tệ, đặc biệt là siết hạn mức tín dụng đối với bất động sản, chứng khoán, cho vay tiêu dùng… thì sự an toàn của khách hàng nông nghiệp cùng với chính sách ưu đãi của nhà nước đã khiến khu vực này có sức hấp dẫn hơn.
Chính sách ưu đãi đối với tín dụng nông nghiệp được thực hiện khá ổn định, nhất là đối với những ngân hàng có cơ cấu tín dụng nông nghiệp cao, tỉ lệ dự trữ bắt buộc được quy định ở mức rất thấp, có thể giúp ngân hàng tăng được nguồn vốn cho vay và giảm chi phí để có điều kiện duy trì mức lãi suất cho vay thấp…
Theo Sacombank, phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ngoài mục tiêu hỗ trợ, các ngân hàng không kỳ vọng đạt lợi nhuận cao. Tuy vậy, phục vụ nhóm đối tượng ưu tiên của nhà nước thì có phần an toàn hơn lĩnh vực khác.
Sở dĩ an toàn là vì các khoản cho vay khu vực này thường không lớn, nên rủi ro cũng thấp nếu thành nợ xấu. Những trường hợp do thiên tai, dịch bệnh nếu xảy ra thì nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ, giãn nợ, khoanh nợ…
Theo các chuyên gia kinh tế, sau khi có chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn cho vào khu vực này đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất lớn và cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ngân hàng giúp nông dân tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi hơn./.
Công Trí
Cổng thông tin điện tử Chính phủ