Theo báo cáo vừa công bố của Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL), kinh tế của khu vực này dự kiến đạt mức tăng trưởng 4,7% trong tài khóa 2011 và 4,1% trong tài khóa tiếp theo do ảnh hưởng từ sự phục hồi chậm của nền kinh tế Mỹ và khủng hoảng nợ công tại châu Âu.
|
Một trung tâm mua sắm lớn tại Colombia
|
Sự tăng trưởng trong năm nay sẽ cho phép Mỹ Latinh và Caribe duy trì sự phục hồi kinh tế bắt đầu từ quý III/2009, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và chỉ số tăng trưởng của khu vực dựa trên nhu cầu tăng mạnh của lĩnh vực tư nhân nhờ sự cải thiện về chỉ số thị trường lao động, cũng như tăng trưởng tín dụng.
Theo CEPAL, Nam Mỹ sẽ dẫn đầu khu vực về tăng trưởng trong năm nay với 5,1%, nhờ sự tăng giá của các sản phẩm cơ bản, tiếp theo là Trung Mỹ (4,3%) và Caribe (1,9%). Panama sẽ tăng trưởng mạnh nhất với 8,5%, tiếp theo là Argentina (8,3%), Peru (7,1%), Uruguay (6,8%), Ecuador (6,4%), Chile (6,3%), Paraguay (5,7%), Colombia và Bolivia cùng tăng 5,3%, Cộng hòa Dominica (5%), Venezuela (4,5%) và Mexico, Brazil, Guatemala và Nicaragua với 4%.
CEPAL dự báo với đà tăng trưởng trên, chỉ số thất nghiệp sẽ giảm từ 7,3% năm 2010 xuống còn 6,7% trong năm nay và điều này sẽ cải thiện một cách bền vững các chỉ số của thị trường lao động, kết hợp với mức cho vay tín dụng tăng cao, nhờ nhu cầu cao của khu vực tư nhân cả trong tiêu thụ và đầu tư.
CEPAL cũng đưa ra cảnh báo về lạm phát do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, áp lực tăng tỷ giá hối đoái thực và tài khoản vãng lai giảm.
Trong trao đổi thương mại quốc tế của Mỹ Latinh và Caribe, CEPAL nhấn mạnh sự lớn mạnh của Trung Quốc và nhận định đến năm 2015, Trung Quốc sẽ vượt qua Liên minh châu Âu để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của khu vực, sau Mỹ./.