Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/10/2010-16:06:00 PM
Vì sự phát triển xã hội ASEAN và xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội bền vững
(MPI Portal) – Trong khuôn khổ các sự kiện của năm ASEAN tại Việt Nam, sáng ngày 26/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về “Sự phát triển xã hội ASEAN và xây dựng một mạng an sinh xã hội bền vững” do Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Trung tâm Châu Á, Đại học Harvard và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Thiết lập một mạng an sinh xã hội bền vững đang là vấn đề cấp bách tại Đông Á và ASEAN. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu phát triển bền vững và cân bằng trên toàn thế giới. Đông Á nói chung - với tính chất là một khu vực mở, năng động, dồi dào nguồn lực, và ASEAN nói riêng - với vị trí là trung tâm của quá trình liên kết Đông Á, có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu... Những tác động tiêu cực về mặt xã hội của cuộc khủng hoảng vừa qua, cùng với tình trạng đói nghèo hiện nay và sự gia tăng của nhóm dân cư có mức thu nhập trung bình đang đặt ra nhiều vấn đề cần xử lý cả ở tầm vĩ mô và vi mô tại từng quốc gia và trong khu vực. Những nỗ lực giảm nghèo và nhìn nhận đúng chiều hướng tích cực trong sự phát triển nhóm thu nhập trung bình chính là một phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch mô hình phát triển ở Đông Á và ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Thiết lập một mạng an sinh xã hội bền vững đang là vấn đề cấp bách tại Đông Á và ASEAN”. Ảnh: Thuý Quyên (MPI Portal)
Theo Thủ tướng, phát triển bền vững còn đòi hỏi phải xử lý thoả đáng các vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng, lương thực, môi trường và các lĩnh vực an ninh phi truyền thống khác. Thủ tướng nêu bật các khâu đột phá trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam là cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời chú trọng các vấn đề an sinh xã hội, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước bình quân 7 - 8%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 - 3.200 USD; thu nhập thực tế của dân cư gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2010.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tham gia Hội thảo. Ảnh: Thuý Quyên (MPI Portal)
Hội thảo diễn ra với 4 phiên thảo luận của các giáo sư và những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, đó là: Nền kinh tế toàn cầu và châu Á – Vai trò ngày một tăng của châu Á; Sự phát triển của bộ phận dân số có thu nhập trung bình ở châu Á; Mạng lưới an sinh xã hội và những giá trị trong xã hội châu Á; Những vấn đề an sinh xã hội khác: phản ứng chính sách với thảm họa thiên nhiên, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu.
Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách đến từ các nước ASEAN, Đông Á và Hoa Kỳ trao đổi cởi mở và thẳng thắn về các chủ đề nêu trên và qua đó có đóng góp thiết thực cho việc nâng cao nhận thức, đề xuất những giải pháp và chính sách cụ thể về các vấn đề phát triển xã hội, thiết lập mạng an sinh xã hội bền vững cho Đông Á và ASEAN./.
Mai Phương - Thuý Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1135
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)