Đó là khẳng định của tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Dưới đây một số câu trả lời của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh với báo giới.
Phóng viên (PV): Theo Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XIII thì công tác triển khai thực hiện cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết số 11 còn không ít hạn chế, đơn cử như việc hướng dẫn về cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ dự án không rõ ràng, cũng như không có tiêu chí thống nhất đã gây trở ngại cho việc triển khai thực hiện?
|
Tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Việc cắt giảm đầu tư công là một trong những giải pháp hết sức cần thiết để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững. Do đó đây là vấn đề cần phải làm. Trong đó có một giải pháp là cắt giảm, phân bổ lại vốn đầu tư phát triển trong năm 2011, sao cho số tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước tập trung vào những công trình đang chuẩn bị hoàn thành trong năm 2011, để những công trình này sớm phát huy hiệu quả.
Chúng ta cũng phải tiết giảm việc mở quá rộng phạm vi đầu tư trong khi nguồn lực còn có hạn, mục tiêu quan trọng nhất là đầu tư tập trung hơn và có hiệu quả hơn. Trên tinh thần như vậy, trong thời gian tới cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương cắt giảm đầu tư công đã được nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ.
PV: Đối với lĩnh vực đầu tư công thì nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ thực hiện trong thời gian tới là gì?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Một vấn đề rất lớn đang đặt ra là nâng cao hiệu quả đầu tư chung của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là hiệu quả đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước. Ngân sách của chúng ta có hạn trong khi nhu cầu phát triển của đất nước rất lớn, cho nên phải thay đổi quan điểm trong đầu tư. Đó là Nhà nước phải tạo mọi điều kiện, cơ chế, chính sách để khuyến khích các nguồn lực trong nhân dân, trong doanh nghiệp, trong các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư phát triển. Vốn Nhà nước chỉ tập trung cho các vấn đề trọng yếu, then chốt, đột phá của đất nước.
Cụ thể là phải tạo ra những cơ chế để thu hút các nguồn lực khác và vốn nhà nước là một dạng tiền đề, điều kiện xúc tác để phát triển các nguồn lực khác. Cơ chế chính sách trong đầu tư tới đây phải theo hướng khơi dậy được những nguồn lực to lớn như nêu trên.
PV: Khi đề cập đến hạn chế của quy hoạch phát triển trong thời gian qua, tình trạng cục bộ địa phương dẫn đến “loạn” sân bay, cảng biển, sân golf… thường được nhắc đến?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong thực tế có thể đã xảy ra những chuyện đó và Chính phủ cũng đã yêu cầu điều chỉnh lại trong quy hoạch. Chúng tôi cho rằng tới đây công tác quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch phải đươc đặt ra rất kiên quyết. Ví dụ đầu tư cảng biển, sân bay, các hạ tầng thiết yếu là rất cần thiết, nhưng chúng ta phải có sự phân loại rõ ràng.
Đơn cử, đối với cảng biển loại nhỏ thực chất cũng chỉ là bến đỗ, cho phép các địa phương nghiên cứu tùy theo khả năng tài chính, nguồn lực đến đâu và tính hiệu quả để làm. Nguồn lực nhà nước chỉ tập trung vào những cảng trung chuyển quốc tế lớn của đất nước… Những kết cấu hạ tầng lớn ví dụ như đường cao tốc mà còn yếu kém thì nhà nước tập trung vào đó để tạo đột phá.
PV: Với vai trò “tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư, ông có có sẵn sàng gạt bỏ những dự án trình lên nếu thấy dự án đó không phù hợp?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi nghĩ rằng bản thân lãnh đạo các địa phương cũng rất hiểu vấn đề này. Họ đều mong muốn cho địa phương mình phát triển, tất nhiên ở đây với tư cách tham mưu trưởng trong vấn đề này thì Bộ kế hoạch và đầu tư sẽ phải thuyết phục, phân tích có căn cứ khoa học để các địa phương thấy rằng làm như thế nào là vì lợi ích chung và có lợi cho đất nước nghĩa là cũng có lợi cho địa phương.
Ví dụ, chúng ta có thể chỉ tập trung mạnh cho cảng Hải Phòng, nếu làm tốt cảng này để nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa đạt lên đến 100 triệu tấn mỗi năm, thậm chí là 200 đến 300 triệu tấn, từ đó chúng ta có thể không làm những cảng nhỏ khác ở các tỉnh lân cận mà sẽ phát triển hệ thống đường cao tốc từ Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình,… để kết nối với cảng Hải Phòng. Như vậy cảng Hải Phòng không chỉ của Hải Phòng mà là của cả miền Bắc. Lúc đó các tỉnh lân cận chắc cũng không đòi hỏi phải làm cảng ở tỉnh tôi.
PV: Để thực hiện tốt trọng trách, ông có nghĩ rằng các “tư lệnh” ngành phải có thêm thẩm quyền?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi không đề ra vấn đề tăng quyền cho bộ trưởng, nhưng phải có phân cấp rõ. Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta nên phân cấp rõ những việc gì thuộc Chính phủ, việc gì giao trách nhiệm cho các bộ trưởng, trưởng ngành đó phải làm và tự chịu trách nhiệm và phần nào của địa phương.
Bên cạnh đó, tuy là phân cấp nhưng trong cả hệ thống phải thông suốt, cần phải tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để xem xét những chủ trương chính sách của nhà nước được đi vào cuộc sống như thế nào, có vấn đề gì đúng và vấn đề gì cần phải kịp thời điều chỉnh./.