Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/06/2011-10:17:00 AM
Thiết lập Hệ thống thí điểm giám sát và đánh giá đầu tư công
(MPI Portal) – Ngày 22/6, tại Hòa Bình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Thiết lập Hệ thống thí điểm giám sát và đánh giá đầu tư công” dưới sự chủ trì của ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế đối ngoại, Phó Giám đốc Đề án.

Hội thảo đã nghe báo cáo kết quả thực hiện Đề án thí điểm của bốn đơn vị (Bộ Giao thông vận tải và 3 địa phương là thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Vĩnh Phúc)

Giám sát đánh giá đầu tư là hoạt động theo dõi, kiểm tra và đánh giá mức độ đạt được của quá trình đầu tư so với yêu cầu và mục tiêu đề ra của các chủ thể đầu tư và các cấp quản lý. Giám sát, đánh giá đầu tư gồm hai loại: Giám sát, đánh giá dự án đầu tư và Giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư. Giám sát, đánh giá dự án đầu tư là theo dõi, kiểm tra và đánh giá (đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc, đánh giá tác động, đánh giá đột xuất) quá trình đầu tư của từng chương trình, dự án đầu tư. Giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư là theo dõi, kiểm tra và đánh giá hoạt động đầu tư trong phạm vi chung của toàn bộ nền kinh tế, ngành, lĩnh vực hoặc một địa bàn lãnh thổ, cũng như một tổ chức kinh tế lớn bao gồm nhiều đơn vị thành viên.
Giám sát, đánh giá đầu tư được thực hiện liên tục (định kỳ hoặc bất thường) trong các khâu, các bước của quá trình đầu tư.
Ngày 15/12/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 113/2009/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư nhằm quy định nội dung giám sát, đánh giá và việc tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư và hoạt động đầu tư trực tiếp sử dụng tất cả các nguồn vốn.
Cấu trúc Sổ tay gồm 6 phần:
- Phần 1: Các khái niệm và chỉ dẫn chung.
- Phần 2: Giám sát đầu tư.
- Phần 3: Đánh giá đầu tư.
- Phần 4: Tổ chức thực hiện giám sát đánh giá đầu tư.
- Phần 5: Báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư.
- Phần 6: Chi phí thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư.
Để hỗ trợ việc triển khai thống nhất các yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra tại Nghị định 113/2009/NĐ-CP, từng bước hoàn thiện hệ thống giám sát, đánh giá ở cả 3 cấp: dự án, cơ quan chủ quản và quốc gia, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực theo dõi và đánh giá dự án Việt Nam – Australia giai đoạn II (VAMESPII)”, cuốn Sổ tay giám sát và đánh giá đầu tư đã được biên soạn.
Mục tiêu của việc xây dựng cuốn Sổ tay này là nhằm cung cấp một hướng dẫn kỹ thuật thống nhất trên phạm vi cả nước về việc thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư theo Nghị định 113/2009/NĐ-CP (Thông tư hướng dẫn 13/2010/TT-BKH ). Sổ tay này sẽ có tác dụng thúc đẩy công tác giám sát, đánh giá đầu tư, góp phần quản lý chặt chẽ và có hiệu quả hoạt động đầu tư của các Bộ, ngành, các chủ đầu tư, đặc biệt với các hoạt động đầu tư sử dụng vốn nhà nước.
Dự án “Hệ thống thông tin phục vụ theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước” là một trong 8 dự án được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 về phê duyệt Chương trình quôc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Ông Mai Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giới thiệu về dự án “Hệ thống thông tin phục vụ theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước”

Theo Quyết định số 2094/QĐ-BKH ngày 01/12/2010 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho Trung tâm Tin học làm chủ đầu tư dự án “Hệ thống thông tin phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước” và xác định các yếu tố cơ bản của Dự án: Mục tiêu dự án: Xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan của các Bộ, ngành và địa phương; Nội dung đầu tư chính, gồm: (1) Đầu tư hệ thống thiết bị kỹ thuật để xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước; (2) Xây dựng CSDL các quy định, hướng dẫn về quản lý đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước hoặc liên quan đến đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước; (3) Xây dựng CSDL về các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước, bao gồm: Thông tin cơ bản về việc chuẩn bị đầu tư các dự án; thông tin về theo dõi và giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án; thông tin về việc kiểm tra, thanh tra, đánh giá các dự án đầu tư; (4) Xây dựng và triển khai phần mềm ứng dụng có các chức năng chính như: Cập nhật và tra cứu các thông tin quy định, hướng dẫn về quản lý đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước; cập nhật các thông tin về dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước tại các tổ chức trực tiếp quản lý thực hiện đầu tư dự án hoặc trực tiếp quản lý vận hành và khai thác sử dụng dự án; tích hợp thông tin thành kho dữ liệu tập trung tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tra cứu, khai thác thông tin về các dự án đầu tư; lập các loại báo cáo tổng hợp về các dự án đầu tư, phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư; thực hiện công khai hóa các thông tin và các vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước theo quy định của pháp luật; (5) Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý vận hành và khai thác sử dụng và Quy trình quản lý chất lượng thông tin và dữ liệu của Hệ thống thông tin theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước; tài liệu hướng dẫn sử dụng; đào tạo hướng dẫn sử dụng.
Dự án này đang trong giai đoạn khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và sẽ trình thẩm định, phê duyệt đầu tư trong đầu tháng 10/2011. Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành vào cuối năm 2013. Khi dự án chính thức vận hành sẽ góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động giám sát, đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước nói riêng, quản lý hoạt động đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước nói chung. Ngoài ra, dự án này còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hoá cơ quan nhà nước, thực hiện quá trình tin học hoá quản lý hành chính nhà nước, từng bước thực hiện lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam./.
Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1318
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)