Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/12/2010-09:50:00 AM
Hợp tác đầu tư với Myanmar - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Các doanh nghiệp Việt Nam đang hội đủ thế mạnh để mở rộng cơ hội xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư với Myanmar. Đó là nhận định của Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Thành Biên tại hội thảo “Triển vọng phát triển thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam và Myanmar” vừa được tổ chức tại TP Yangon, Myanmar.
Thành công của những doanh nghiệp Việt đầu tiên
Xâm nhập thị trường Myanmar cách đây 10 năm, Công ty Điện Quang là một trong những doanh nghiệp Việt Nam ít ỏi tìm được đối tác phân phối và phát triển lâu dài tại đây.
Ông Nguyễn Bắc Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty Điện Quang cho biết hiện Điện Quang là thương hiệu được ưa chuộng thứ hai về sản phẩm chiếu sáng tại thị trường này. Trung bình mỗi tháng kim ngạch nhập khẩu vào Myanmar đạt khoảng 1,5 triệu USD.
Ông Sơn cho biết người tiêu dùng Myanmar có phong cách sinh hoạt khá giống người Việt, nên ngoại trừ bao bì thay đổi ngôn ngữ cho phù hợp thì các tiêu chí về chất lượng, mẫu mã sản phẩm được công ty giữ nguyên.
Hiện ở Myanmar sản xuất chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu của người dân nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Anh Cường, phụ trách thị trường xuất nhập khẩu Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (ViFon), cho biết thị trường Myanmar có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm nhập khẩu. Cách đây hơn bốn năm, ViFon đưa hàng sang tham gia hội chợ tại Myanmar với mục đích thăm dò thị trường, không ngờ ai đến tham quan gian hàng cũng hỏi mua.
Theo bà Thân Thị Thảo - trợ lý Tổng lãnh sự Liên bang Myanmar tại TP.HCM, thời gian gần đây có khá nhiều doanh nghiệp tìm đến Lãnh sự quán để được hỗ trợ các thủ tục, xin giấy phép và lập chi nhánh, văn phòng tại Myanmar. “Các đợt khảo sát tại thị trường cho thấy người tiêu dùng Myanmar rất thích hàng Việt. Những mặt hàng như bút bi Thiên Long, hàng may mặc của các cơ sở sản xuất trong nước, nhôm Kim Hằng, dược Hậu Giang... đã đi vào đời sống người dân Myanmar” - bà Thảo nói.
Ông Hoàng Thịnh Lâm, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar cũng cho biết, trong 3 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu một số mặt hàng sang Myanmarsong thị phần vẫn chưa lớn.
Cơ hội và thách thức
Tại hội thảo, ông Win Myint, Chủ tịch Liên đoàn phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar đã mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực như khai thác khoáng sản, sản xuất hàng tiêu dùng, trồng rừng và khai thác gỗ. Liên đoàn sẽ tạo mọi điều kiện, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện triển khai các dự án đầu tư vào Myanmar trong thời gian sớm nhất.
Để tạo sức bật trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam đã đưa ra những biện pháp phối hợp mạnh mẽ.
Đến nay, các tập đoàn lớn của Việt Nam đã triển khai nhiều dự án đầu tư vào Myanmar. Tính đến tháng 7/2010, tổng vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này đã đạt 173 triệu USD với 20 dự án đầu tư. Trong năm tháng đầu năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều đã gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, đạt 70 triệu USD. Trong quý 1/2010, Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng hóa tới Myanmar đứng thứ 12 với những mặt hàng chủ yếu như thép các loại, nguyên phụ liệu may mặc, săm lốp các loại, thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế, ắcquy, hóa chất, phụ tùng máy móc, hàng điện tử, sản phẩm nhựa, dụng cụ nhà bếp...
Tuy nhiên, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng lưu ý doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các thủ tục khi đưa hàng vào Myanmar vì khoảng cách địa lý xa, thanh toán khó khăn, thủ tục pháp lý... Thời gian chờ một bộ hồ sơ kinh doanh tại Myanmar ít nhất là từ 4-6 tháng. Để được tham gia kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp Myanmar cần phải có giấy phép kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa do Bộ Thương mại Myanmar cấp.
Quy định về hạn ngạch nhập hàng và việc thiếu ngoại tệ để thanh toán cũng là trở ngại khi làm ăn tại Myanmar. Phần lớn doanh nghiệp phải mở thư tín dụng tại ngân hàng nước thứ ba là Singapore. Về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Công thương VietinBank cho biết hiện ngân hàng trong nước đã có các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thanh toán khi làm ăn với thị trường Myanmar.
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường này cần phải kiên trì, chịu khó nghiên cứu, khảo sát thị trường. Việc liên doanh với các đối tác Myanmar được coi là một giải pháp tốt trong việc mở rộng quan hệ, xử lý các thủ tục hành chính, nghiên cứu cung - cầu và giá cả thị trường./.
Công Trí
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1461
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)