(MPI Portal) - Ngày 11/11/2011, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Kế hoạch Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2011-2015.
|
Ảnh: Chinhphu.vn
|
Với quan điểm phát triển DNNVV là chiến lược lâu dài, nhất quán và xuyên suốt trong Chương trình hành động của Chính phủ và là trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 cần được xây dựng chi tiết, có tính khả thi cao và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo. Đây là quan điểm chính của nhiều đại biểu phát biểu tại Hội thảo.
Tại các nước phát triển và đang phát triển, Chính phủ các nước này đều xác định vai trò quan trọng, lâu dài của DNNVV trong nền kinh tế và công tác xúc tiến, phát triển DNNVV được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế quốc gia. Các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, v.v… đều xây dựng Chiến lược 10 năm hay Kế hoạch 5 năm phát triển DNNVV.
Hiện nay, tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97% số lượng doanh nghiệp trên địa bàn cả nước. Theo báo cáo kết quả điều tra hơn 63.000 doanh nghiệp tại 30 tỉnh thành phố của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì gần 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa có mức vốn dưới 1 tỷ đồng; gần 75% số doanh nghiệp có mức vốn dưới 2 tỷ đồng và 90% số doanh nghiệp có mức vốn dưới 5 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là đa số các chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ cao đẳng và đại học trở lên nhưng không được đào tạo về kiến thức kinh tế và quản trị doanh nghiệp. Về trình độ sử dụng công nghệ, chỉ có khoảng 8% số doanh nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến mà phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng cho DNNVV phát triển
Một loạt các chính sách đã được nêu ra tại Hội thảo như hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định khung pháp lý; cải cách thủ tục hành chính, cơ chế chính sách tài chính đặc thù; cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất gắn với công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; di dời những doanh nghiệp gây ô nhiễm tại các khu dân cư, đồng thời phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp có quy mô hợp lý, giá thuê đất phù hợp; chính sách phát triển nhân lực phù hợp; hình thành hệ thống thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, v.v…
Nhiều đại biểu cho rằng, một trong những việc quan trọng là cần quan tâm giúp các hộ kinh doanhchuyển đổi thành doanh nghiệp. Trong 5 năm tới, cần có phương án hợp lý và khuyến khích mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, giảm bớt sự manh mún, tăng số lượng doanh nghiệp vừa, số doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu.
Tổng thưkýVCCI, bà Phạm Thị Thu Hằng cho biết, trên thế giới, cụm công nghiệp hình thành dựa trên lợi thế cạnh tranh một cách tự nhiên, sự liên kết hình thành tự nhiên. Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều cụm công nghiệp của Việt Nam hiện nay hoạt động chưa hiệu quả vì được thành lập với mục đích đơn giản là giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất. Trong khi đó, yếu tố giúp đảm bảo hiệu quả cho các cụm công nghiệp làsản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp kia với chi phí hợp lý, liên kết gia tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp lại chưa được chú trọng.
Dưới góc độ địa phương, ông Phạm Đình Hương, Trưởng Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình thẳng thắn cho biết rất ít địa phương quan tâm thực sự tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi tại nhiều địa phương vùng sâu vùng xa, các doanh nghiệp lớn đóng góp tới 95% nguồn thu ngân sách. Ông Phạm Đình Hương cũng cho rằng, cần có những giải pháp cụ thể và giải quyết được khúc mắc thực tiễn, tức là mang tính khả thi. Ông lấy ví dụ về giải pháp về hỗ trợ tài chính, các ngân hàng khá miễn cưỡng khi tham gia các quỹ bảo lãnh tín dụng vì nếu có nhiều doanh nghiệp lớn, mạnh muốn vay vốn thì “không tội gì” đổ vốn vào những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phát triển thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Hồ Sỹ Hùng nhận định các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ, song nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước còn hạn chế. Nhà nước từng bước chuyển giao việc thực hiện các chương trình trợ giúp DNNVV cho các tổ chức cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh thực hiện qua cơ chế đấu thầu rộng rãi. Vai trò của các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất quan trọng, song kết quả hoạt động cònhạn chế. Khuyến khích các tổ chức Hiệp hội thực hiện các dịch vụ phát triển kinh doanh; tích cực triển khai các chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia xây dựng thể chế, chính sách và các chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.Ví dụ, bản thân Hiệp hội không đủ thông tin về thành viên của mình, từ đó có thể dẫn đến việc các cơ quan chức năng tìm hiểu, nghiên cứu ban hành chính sách không phát huy được hiệu quả.
Ông Hồ Sỹ Hùng cũng khẳng định các địa phương cần vào cuộc chủ động hơn trong việc triển khai phát triển thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh. Tranh luận về vấn đề trên,Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Tô Hoài Nam nhìn nhận nhiều khi các Hiệp hội chưa đáp ứng được yêu cầu có lý do từ chủ quan, nhưng cũng có lúc nhận thức từ các cơ quan quản lý nhà nước về vai trò chức năng hiệp hội chưa đúng mức./.
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN DNNVV GIAI ĐOẠN 2011-2015
Mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp và nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của DNNVV, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, lành mạnh để các DNNVV đóng góp ngày càng cao vào phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chỉ tiêu định hướng:
- Số doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới giai đoạn 2011-2015 đạt 450.000 doanh nghiệp;
- Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tiếp tham gia xuất khẩu đạt từ 10-12%;
- Đầu tư của khu vực DNNVV chiếm 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội;
- Khu vực DNNVV đóng góp khoảng 30% GDP; 35% tổng thu ngân sách nhà nước;
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo thêm khoảng 4 triệu chỗ làm việc mới trong giai đoạn 2011 - 2015.
|
Quang Tùng
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư