Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo khẳng định Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút đầu tư xây dựng các công trình quy mô lớn, chất lượng cao. Vì vậy, song song với việc đa dạng các hình thức đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng nhất cho thu hút đầu tư là phải giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
|
Con đường gốm sứ ven sông Hồng - một trong những công trình xã hội hóa đầu tư của Hà Nội
|
Khẳng định trên được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra ngày 23/12, tại phiên họp tập thể cuối năm của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét đề án xã hội hóa và thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015.
Theo dự thảo đề án, 5 năm tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực, gồm giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa-thể thao và môi trường. Mỗi một lĩnh vực đều có những chỉ tiêu cụ thể như xã hội hóa đầu tư xây dựng 60-70 trường ngoài công lập; thành lập mới 2-3 cơ sở dạy nghề chất lượng cao; xây dựng 15 bệnh viện ngoài công lập với quy mô 3.000-4.000 giường; huy động 800 tỷ đồng tu bổ di tích; thu gom, vận chuyển 100% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn 10 quận, thị xã Sơn Tây, các thị trấn, thị tứ và các khu dân cư tập trung…
Để thực hiện các mục tiêu này, thành phố Hà Nội xác định có 5 nhóm giải pháp cần thực hiện như cải cách hành chính, hỗ trợ kịp thời cho các dự án hoặc cơ sở xã hội hóa theo chính sách của thành phố, tăng cường quản lý nhà nước và tăng cường tuyên truyền để phổ cập các cơ chế, chính sách liên quan…
Các đại biểu đều thống nhất cao việc xã hội hóa là nguồn lực rất quan trọng đối với sự phát triển chung của Thủ đô và đối với đời sống của người dân. Tuy nhiên thời gian qua, nguồn lực này chưa được khai thác tốt do thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa các cơ quan của thành phố. Bên cạnh đó, sự rườm rà, phức tạp trong thủ tục hành chính đã khiến các nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian, công sức và không ít người đã bỏ cuộc...
Để khắc phục nhược điểm này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phải cập nhật đầy đủ các dự án xã hội hóa hiện nay của thành phố, làm rõ những dự án nào chưa hoàn thành, gặp khó khăn ở đâu để làm căn cứ điều chỉnh chính sách, cơ chế xã hội hóa cho phù hợp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng có trách nhiệm là cơ quan chủ trì xây dựng một bộ cẩm nang thủ tục hành chính phục vụ riêng các nhà đầu tư xã hội hóa; đồng thời có nhiệm vụ lập bằng được danh mục các dự án để công khai, kêu gọi xã hội hóa đầu tư./.