Cơ quan thống kê vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2010 tại thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,61% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp hơn tháng 11 trước đó (1,73%), như vẫn cao hơn nhiều so với bình quân 12 tháng trong năm nay, gần 0,77%.
|
Tổng mức bán lẻ tháng 12/2010 trên địa bàn Tp.HCM ước đạt 36.141,6 tỷ đồng, tăng 4,1% so tháng trước
|
So với tháng 12/2009, chỉ số giá tiêu dùng tháng này đã tăng 9,58%, Tp.HCM đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 1 con số.
Nhìn chung, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tại Tp.HCM tăng khá cao có phần liên quan đến mức chi tiêu cho mua sắm tăng trong tháng qua. Cũng nguồn tin trên cho hay, tổng mức bán lẻ tháng 12/2010 trên địa bàn Tp.HCM ước đạt 36.141,6 tỷ đồng, tăng 4,1% so tháng trước.
Nhưng điểm đáng chú ý nằm ở các nhỉ tiêu lạm phát phân theo nhóm sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. “Soi” vào 11 nhóm, mức tăng mạnh của CPI thể hiện chủ yếu ở một số sản phẩm và dịch vụ liên quan đến ăn uống và vui chơi giải trí. Điều này không bất thường nếu so sánh với các năm gần đây, một biểu hiện thói quen khác biệt của người dân Tp.HCM, thường chi tiêu mạnh vào dịp lễ, tết cho các hàng hóa, dịch vụ này.
Chỉ có 4 trên tổng số 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng khẽ trong tháng này, CPI tháng 12 tại Tp.HCM tăng cao là tổng hợp của nhiều yếu tố. Cụ thể, CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng này đã tăng 2,37% so với tháng trước với lương thực tăng tới 4,56%; thực phẩm tăng 2,14% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,57%.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục đẩy mạnh thu mua, Hiệp hội lương thực cho biết lượng gạo tồn kho đang ở mức khoảng 500 nghìn tấn, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, do tiêu thụ gạo tăng vẫn tạo cơ hội cho nhiều đầu nậu đẩy giá lên cao. Cho đến nay, giá gạo đã có 4 tháng liên tiếp trong xu thế tăng.
Trong khi đó, giá thực phẩm tăng chủ yếu do nguồn cung thịt lợn tiếp tục hạn chế sau giai đoạn dịch bệnh; nhiều loại hải sản tăng giá dưới sức tiêu thụ mạnh hơn; dầu ăn, đường, rau củ tăng giá mạnh có loại do chi phí sản xuất tăng, số khác do tác động tỷ giá và không loại trừ yếu tố tăng giá tâm lý.
Sức ảnh hưởng ít hơn do quyền số thấp, nhưng chỉ số giá tiêu dung tăng mạnh nhất ở nhóm may mặc, mũ nón, giày dép, lên tới 3,17%.
Lễ Noel, Tết dương lịch và âm lịch sắp đến là cơ hội để trưng các sản phẩm thời trang, dẫn tới sức tiêu thụ nhóm quần áo may sẵn, giày dép, vải và dịch vụ liên quan tăng đáng kể, đồng nghĩa với việc giá cũng tăng hơn so với trước. Cùng nguyên nhân này, CPI nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 1,29%; thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,85%.
Trong khi đó, dịp lễ, tết cũng là thời gian cho các hoạt động vui trơi, giải trí. Các dịch vụ này đã bắt đầu khởi động sớm từ cuối tháng 11 đến nay, khiến chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 1,22%.
Thị trường xây dựng vào mùa hoàn thiện cuối năm cũng đẩy giá các mặt hàng sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng tăng giá tại Tp.HCM, tác động đến chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc giá gas tăng trong tháng này mới là nguyên nhân chính đẩy chỉ số nhóm này tăng 2,5%.
Chí số giá vàng tháng này tại Tp.HCM đã tăng 5% so với tháng trước; chỉ số giá USD tăng 3,47%.