Trung Quốc ngày 21/11 thông báo thực hiện bổ sung một loạt biện pháp bình ổn giá - bước tiếp theo trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kìm hãm lạm phát.
|
Người tiêu dùng Trung Quốc chọn mua hàng tại một siêu thị ở tỉnh An Huy, Trung Quốc
|
Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường hoạt động sản xuất nông nghiệp, ổn định nguồn cung như điện, dầu mỏ, khí đốt,.. và đưa ra các gói trợ giá tạm thời.
Ngoài ra, giới chức địa phương cũng được yêu cầu điều phối các chương trình an sinh xã hội nhằm từng bước tăng các khoản lương hưu cơ bản, bảo hiểm thất nghiệp và mức lương tối thiểu.
Động thái mới này của Chính phủ Trung Quốc được thực hiện trong bối cảnh giá cả tiêu dùng ở nước này tăng kỷ lục trong vòng hai năm qua, nguyên nhân do giá thực phẩm bỗng chốc lên cơn sốt sau trận lũ lụt cùng những đợt giá rét đột ngột hoành hành trên cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng và sản xuất nông nghiệp.
Năm nay cũng là năm Trung Quốc phải hứng chịu nhiều thiên tai nghiêm trọng. Chính phủ Trung Quốc ước tính mùa đông năm nay, hơn 80 triệu người dân nước này cần được trợ cấp lương thực.
Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ngày 21/11 cho biết nước này có thể mở rộng diện tích đất nông nghiệp nhằm ổn định sản xuất và tăng cường khả năng cung cấp rau củ trong cả mùa đông. Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, giới chức nước này đã tuyên bố sẽ "làm việc nghiêm túc" để ngăn chặn nạn đầu cơ tích trữ nông sản và các mặt hàng khác.
Tình hình lạm phát hiện đã ở mức đáng lo ngại và việc "hạ nhiệt" lạm phát đang là một trong những vấn đề mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng trong nước đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với chỉ tiêu chính thức 3% đặt ra cho cả năm và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2008.
Cũng trong tháng 10 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã phải thực hiện một loạt bước đi nhằm ổn định giá cả, một trong số đó là việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2007./.