(MPI Portal) - Ngày 25/12, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân Bình Định tổ chức Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Nam Trung Bộ giai đoạn 2011-2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, chủ trì Hội nghị cùng với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng Nam Trung Bộ.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực cho các địa phương chính là cơ sở để mỗi tỉnh, thành phố có căn cứphát triển kinh tế-xã hội.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo Chiến lược phát triển Giáo dục 2011-2020 (phần về đào tạo ĐH, CĐ, TCCN) và quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ ở Nam Trung Bộ, chức năng đào tạo cho vùng Nam Trung Bộ của một số trường Đại học ở Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày tóm tắt dự thảo Chiến lược phát triển Dạy nghề giai đoạn 2011-2020 và quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề cấp tỉnh và vùng ở Nam Trung Bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về đề xuất giải pháp liên vùng về phát triển nhân lực các tỉnh vùng Nam Trung Bộ giai đoạn 2011-2020.
Đại diện UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Bình Định báo cáo Dự thảo Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020. Các đại biểu tham gia Hội nghị đã đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Quy hoạch phát triển nhân lực thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2020.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã góp ý cho việc rà soát lại năng lực đào tạo nội vùng, đồng thời đánh giá mức độ đáp ứng và số lượng thiếu hụt cần bổ sung, đào tạo từ bên ngoài. Căn cứ từ nguồn nhân lực của địa phương mình, các tỉnh cần chủ động mở rộng các hình thức liên kết đào tạo với các trung tâm đào tạo lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. Cần phải có định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020.
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng tính đến năm 2010 đã có những thành tựu đáng kể: Phát triển nhanh công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp lọc dầu; khai thác tài nguyên khoáng sản, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, nâng cao năng lực đánh bắt hải sản và công nghiệp chế biến thủy, hải sản, nhất là chế biến xuất khẩu, đầu tư cho ngành cơ khí, chủ yếu là sửa chữa và đóng tầu thuyền; phát triển ngành công nghiệp dệt, da, may... phục vụ đời sống và xuất khẩu.
Hệ thống cơ sở hạ tầng đã đáp ứng một phần nhu cầu vận chuyển hàng, hành khách, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển và đưa văn minh đô thị vào nông thôn. Đã thực hiện có hiệu quả chương trình định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào các dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm giảm sự chênh lệch về mức sống, phát triển kinh tế xã hội giưa các tỉnh trong vùng.
So với nhiều địa phương trong nước, nguồn nhân lực vùngNam Trung Bộ có nhiều ưu điểm, đáp ứng tương đối tốt nhu cầu phát triển của nhiều địa phương của Vùng trong thời gian qua. Lực lượng công nhân có tay nghề của Vùng đóng góp một phần quan trọng trong đội ngũ lao động nhiều khu công nghiệp thuộc khu vực. Tuy nhiên, thực tế phát triển thời gian qua ở một số địa phương cho thấy, khi các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, nguồn nhân lực có tay nghề chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, sự thiếu hụt cán bộ quản lý còn là vấn đề bất cập ở nhiều địa phương. Vì vậy, để khắc phục được những khó khăn này cần ban hành cụ thể các chế độ, chính sách về lương, phụ cấp và các ưu đãi khác để thu hút nhân tài và lao động kỹ thuật từ các vùng đến công tác và làm việc lâu dài ở các tỉnh miền Nam Trung Bộ, đồng thờiđẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phù hợp với cơ cấu kinh tế - xã hội của vùng. Có chính sách và biện pháp phát triển mạnh nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để trẻ hoá đội ngũ cán bộ khoa học ở các cơ sở nghiên cứu, triển khai. Có chế độ đặc biệt ưu đãi các nhân tài và đào tạo các cán bộ đầu đàn. Có chính sách đặc biệt thu hút lực lượng chuyên gia Việt kiều làm công tác chuyển giao trí thức và chuyển giao công nghệ cho vùng.
Kết thúc Hội nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn Nam Trung Bộ sẽ biến nguồn nhân lực trở thành lợi thế để phát triển. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương Nam Trung Bộ cần phát huy các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình để phát triển ổn định kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân được nâng cao, từ đó làm cơ sở để phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững./.
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông bộ, sắt, hàng không và biển, gần thành phố Hồ Chí Minh và khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ; cửa ngõ của Tây Nguyên, đường xuyên Á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế. Khu vực Nam Trung Bộ bao gồm 8 tỉnh và thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Vùng có diện tích tự nhiên là 4,4 triệu ha, dân số 8,78 triệu người, chiếm 10,21% dân số cả nước.
Cơ cấu lao động của Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhìn chung, kinh tế của Vùng có sự phát triển hơn so với bình quân của cả nước. Điều đó được thể hiện ở các chỉ số về cơ cấu lực lượng lao đông hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 47% ( tỷ lệ cả nước là 52%); công nghiệp, xây dựng là 23% (tỷ lệ cả nước là 19%) và dịch vụ là 30% (tỷ lệ cả nước là 29%). Trình độ lao động ở Nam Trung Bộ có bằng sơ cấp là 146.405 người (2,28%), trung cấp là 241.608 người (3,77%), cao đẳng là 95.971 người (1,5%) và trình độ đại học là 243.815 người (3,8%).
Tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động năm 2010 là 61% tổng dân số và tiếp tục tăng lên khoảng 63% năm 2015 và sẽ giảm dần trong giai đoạn 2020 còn 61,5%. Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh ở khối học nghề ở 8 tỉnh Nam Trung Bộ đang có chiều hướng tăng theo từng năm.
Mật độ trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tương đối cao so với mặt bằng cả nước, các ngành nghề đào tạo cũng khá đa dạng, bao gồm các trường đơn ngành và đa ngành. Đây là vùng có mật độ đứng thứ 3 của toàn quốc sau Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ với 45 trường đại học, cao đẳng (11,7% toàn quốc).
|
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư