Chỉ số phát triển con người là căn cứ để so sánh, đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia qua các thời kỳ khác nhau. Qua chỉ số này, chúng ta có thêm một góc nhìn về trình độ phát triển, đồng thời cũng thấy được những hạn chế cần khắc phục trong tiến trình xây dựng đất nước hướng theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Chỉ số HDI (thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển con người trên các mặt thu nhập, tri thức và sức khoẻ) của Việt Nam có những điểm đáng chú ý như sau.
Thứ nhất, HDI đã liên tục cao lên qua các năm
Ghi chú: Nguồn số liệu UNDP. Năm 2008 được tính lại theo phương pháp mới (thay các chỉ số về tri thức bằng số năm đi học bình quân và kỳ vọng số năm đi học; thay đổi về chỉ số thu nhập (GNI) năm 2008 có thấp hơn so với trước đây). Theo đó, chỉ số HDI của các nước hầu hết đều có sự thay đổi và thấp xuống.
Thứ hai, thứ bậc về HDI của Việt Nam so với các nước và vùng lãnh thổ nói chung đã cao lên.Trong khu vực Đông Nam Á, HDI của Việt Nam năm 1995 đứng thứ 7/10, năm 2000 thứ 6/10, năm 2002 xuống đứng thứ 7/10, năm 2003 lên đứng thứ 6/10, năm 2005, 2006, 2007, 2008 đứng thứ 7/11.
Trong số 169 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh về HDI, Việt Nam thuộc nhóm phát triển con người trung bình (nhóm này có 42 nước).
Thứ ba, tuổi thọ là chỉ số thành phần quan trọng của HDI. Đối với Việt Nam, chỉ số này cao nhất và có tầm quan trọng hàng đầu, quyết định thứ bậc về HDI của Việt Nam.
Tuổi thọ bình quân của Việt Nam đạt 72,8 cao hơn mức 69,3 tuổi của nhóm nước trung bình, cao hơn cả mức 72,6 tuổi của nhóm cao.
Ngoài các yếu tố về tính tự nhiên, đây chính là kết quả của việc cải thiện mức sống, chăm lo sức khoẻ của người dân. Sự cải thiện về chăm sóc sức khoẻ người dân thể hiện ở một số chỉ tiêu chủ yếu.
Tỷ lệ nghèo giảm mỗi năm khoảng 2%. Số cơ sở khám chữa bệnh công lập đến năm 2009 có 13.450, tăng 333 cơ sở so với năm 2000. Số giường bệnh năm 2009 đạt 232,9 nghìn, tăng 40,9 nghìn; bình quân 1 vạn dân đạt 27,1, tăng 2,4 giường; số bác sỹ đạt 60,8 nghìn, tăng 21,6 nghìn; bình quân 1 vạn dân đạt 7,1 bác sỹ, tăng 2,1 bác sỹ. Đó là chưa kể số cơ sở, số giường bệnh, số bác sỹ của các cơ sở ngoài công lập đã phát triển với tốc độ nhanh trong những năm qua.
Nhiều chỉ tiêu quan trọng, như: tỷ suất chết (của người mẹ trong thời gian thai sản; của trẻ em dưới 1 tuổi; của trẻ em dưới 5 tuổi), tỷ lệ trẻ sơ sinh có trọng lượng dưới 2.500 gram, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, số ca mắc/số người chết do bệnh truyền nhiễm gây dịch,… đã giảm.
Tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sỹ, có nhân viên hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine đã tăng lên.
Có một nét đẹp đáng khích lệ là những người từ 80 tuổi trở lên từ mấy năm nay đã được trợ cấp hàng tháng, tuy chưa nhiều, nhưng điều đó thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, của cộng đồng đối với người cao tuổi.
Tuy nhiên, về mặt y tế, chăm sóc sức khoẻ cũng còn những hạn chế, bất cập, trong đó có các vấn đề về số bệnh nhân/giường bệnh, nhất là ở bệnh viện tuyến trên; về giá thuốc; về vệ sinh an toàn thực phẩm,…
Dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng đã đưa ra một số chỉ tiêu có liên quan đến y tế và chăm sóc sức khỏe như sau: giảm tốc độ tăng dân số thời kỳ 2011- 2015 xuống còn dưới 1%; bình quân 1 vạn dân đến 2020 có 9 bác sỹ; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân,…
Thứ tư, tri thức là chỉ số thành phần của HDI, được biểu hiện ở 2 chỉ số chi tiết, đó là số năm đi học trung bình của người lớn và số năm đi học kỳ vọng.
Số năm đi học trung bình của người lớn Việt Nam đạt 5,5 năm và là mức thấp hơn so với thế giới (nhóm nước trung bình đạt 6,3 năm)…
Như vậy, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, nhưng kết quả vẫn còn thấp so với thế giới, đã “kéo” chỉ số HDI của Việt Nam xuống. Chính vì vậy, giáo dục- đào tạo còn đang là một điểm “nghẽn” hiện nay.
Để khắc phục vấn đề này, Dự thảo các văn kiện Đại hội XI của Đảng đã coi đây là một trong những đột phá chiến lược với các chỉ tiêu chủ yếu, như: Nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2015 đạt 55%, đến năm 2020 đạt 70%; tăng số sinh viên bình quân 1 vạn dân đến năm 2020 lên 450 người,…
Thứ năm, chỉ số thu nhập (GNI) cũng là chỉ số thành phần quan trọng của HDI. GNI tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.995 USD, đứng thứ 120 trên thế giới, chính vì thế, việc nâng cao GNI bình quân đầu người của Việt Nam là một mục tiêu quan trọng để tăng HDI.
Muốn tăng chỉ tiêu này, một mặt phải tăng tổng GDP tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương; phải tăng tỷ lệ GNI so với GDP (năm 2009 đạt 94,5%, giảm so với các năm 2000, 2005) và tiếp tục giảm tốc độ tăng dân số (mặc dù đã giảm khá trong các thời kỳ vừa qua: từ 1,75% trong thời kỳ 1991- 1995, xuống còn 1,52% thời kỳ 1996- 2000, xuống còn 1,2% trong thời kỳ 2001- 2005 và còn khoảng 1,07% thời kỳ 2006- 2010).
Mục tiêu được đề ra trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng là đưa HDI của Việt Nam đến năm 2020 đạt mức trung bình cao của thế giới. Đây là mục tiêu rất cao mà chúng ta phải phấn đấu để đạt được.
Nền kinh tế mà Việt Nam lựa chọn là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh mà theo đó, chúng ta vừa phải có GNI đầu người cao, vừa phải có tuổi thọ và tri thức cao./.
Minh Ngọc
Cổng thông tin điện tử Chính phủ