|
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung
(MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết những nội dung chính sẽ được đề cập tại tọa đàm là các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị từ góc độ Doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra các chủ đề cụ thể để Tọa đàm là khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; thách thức về cơ sở hạ tầng tại Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực; lĩnh vực Ngân hàng tại Việt Nam; ngành dược phẩm tại Việt Nam; thị trường tiêu dùng, bán lẻ và phân phối.
Mở đầu buổi toạ đàm, Nhóm công tác WTO và Sở hữu trí tuệ trình bày chủ đề: Khung quản lý đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Thực hiện các cam kết WTO, Việt Nam liên tục thông qua các Luật, Nghị định và Thông tư mới để thực hiện các cam kết WTO. Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010, quy định doanh nghiệp được thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước. Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh đưa ra đánh giá chặt chẽ hơn đối với các tên công ty trong tiến trình đăng ký và thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia tên các công ty đã được đăng ký.
Tại chủ đề Mua bán và sáp nhập, việc hoàn thiện một khung pháp lý toàn diện đối với hoạt động mua bán và sáp nhập là cấp thiết nhằm làm rõ các yêu cầu cấp phép để tránh những diễn giải khác nhau và bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Các đại biểu cũng được nghe Nhóm công tác Năng lượng và Cơ sở hạ tầng, Giao nhận trình bày chủ đề: Thách thức về cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Có thể nói, cơ sở hạ tầng đường bộ và cảng biển đã được cải thiện, nhưng vẫn còn một số vấn đề cần cải thiện như khả năng tiếp cận các cảng bằng đường bộ và đường sắt. Việc phân bổ đầu tư cơ sở hạ tầng thay vì phân bổ đồng đều ngân quỹ hiện có nên tập trung vào các cụm khu công nghiệp. Nên thiết lập một cơ chế tập trung để lập kế hoạch, điều phối và giám sát việc phát triển cơ sở hạ tầng.
Các diễn giả từ các Bộ, ngành đã cùng nhau thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến bổ ích. Những diễn giả của nhóm công tác nguồn nhân lực, ngành Ngân hàng, ngành dược phẩm và thị trường tiêu dùng bán lẻ cũng đưa ra các kiến nghị khác nhau như kiến nghị quy định làm việc 8 giờ mỗi ngày hay 48 giờ mỗi tuần nên được duy trì trong Luật lao động mới để tạo thêm sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, kiến nghị các công ty và các nhân viên được phép linh động trên 3.000 giờ làm thêm như dự thảo đề nghị nếu hai bên có thoả thuận chung, nhân viên được phép làm hơn số giờ quy định trong hợp đồng lao động nếu họ đồng ý làm thêm giờ.
Sau hơn 3 giờ thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến có giá trị đã được nêu ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Những báo cáo và tham luận trong Tọa đàm sẽ được tổng hợp thành báo cáo công tác phục vụ cho Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 02/12/2010 tại Hà Nội./.