Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/11/2010-09:38:00 AM
Đề xuất giải pháp phát triển nhân lực cho vùng Tây Nguyên
(MPI Portal ) – Ngày 18/11/2010, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2011 – 2020. Hội nghị đã có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành và các tỉnh thuộc Tây Nguyên.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Nhân lực là yếu tố nền tảng, then chốt của sự phát triển. Việc quy hoạch và phát triển nhân lực phải được tính toán, nghiên cứu và thực thi trên cơ sở trả lời câu hỏi: Nhân lực cần bao nhiêu và ở đâu mà ra? Bài toán nhân lực có thể giải quyết tốt nếu liên kết được 4 nhà: Nhà nước, người cầu, người cung và người học.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo Chiến lược phát triển Giáo dục 2011 – 2020 và quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng ở Tây Nguyên, chức năng đào tạo cho Tây Nguyên của các trường đại học ở Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình bày tóm tắt dự thảo Chiến lược Phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020 và quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành nghề cấp tỉnh và vùng Tây Nguyên.
Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã có báo cáo tham luận về quy hoạch phát triển nhân lực cho tỉnh mình giai đoạn 2011 – 2020 (bao gồm Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, và Đắk Nông).
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có phát biểu quan trọng tổng kết Hội nghị. Tiếp thu những ý kiến của các tỉnh Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp đưa ra tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho phát triển nhân lực của Tây Nguyên từng giai đoạn cụ thể. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tập trung bổ sung các số liệu còn thiếu, đặc biệt số liệu liên quan đến đội ngũ lao động của các địa phương. Những địa phương nào chưa thực hiện sẽ được các Bộ, ngành cử người giúp đỡ và hoàn thành đúng tiến độ. Các Bộ, ngành liên quan sẽ phối hợp hoàn chỉnh giải pháp đặc thù đối với các đối tượng vùng Tây nguyên như giáo viên, công chức viên chức, cán bộ, học sinh, sinh viên, v.v...
Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân số của vùng Tây Nguyên là 5,1 triệu người, trong đó dân số đô thị là 1,4 triệu người. So với mặt bằng chung của cả nước, trình độ học vấn, dân trí của vùng vẫn còn hạn chế. Các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo của vùng còn thấp. Trong cơ cấu lao động, tỷ lệ lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp cao hơn nhiều vùng trong khi tỷ trọng công nghiệp – xây dựng còn khiêm tốn (mới đạt 8,4% năm 2008). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo đề xuất giải pháp liên vùng về phát triển nhân lực, một số giải pháp quan trọng đã được đề xuất như Chính sách phát triển nhân lực đối với các đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở; Chính sách thu hút cán bộ khoa học – kỹ thuật từ nơi khác đến công tác lâu dài ở Tây Nguyên; Chính sách luân chuyển và tăng cường cán bộ cho cấp xã; Chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn.

Ông Bùi Tất Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng


Định hướng phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên
thời kỳ 2011-2020
Mục tiêu phát triển: Phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên, tạo ra sự chuyển biến lớn để vùng phát triển ổn định, hiệu quả, đời sống nhân dân được nâng cao, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững sự đoàn kết giữa các dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng, có nhiều mặt đạt mức trung bình của cả nước, nhất là về kết cấu hạ tầng, các dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, từng bước đưa Tây Nguyên trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước.
a) Về phát triển kinh tế:
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,9%/năm giai đoạn 2011-2015 và 8,7%/năm giai đoạn 2016-2020.
- Đến năm 2015 tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP của vùng Tây Nguyên còn khoảng 43,6%, công nghiệp, xây dựng đạt 29,2% và khu vực dịch vụ 27,2%, đến năm 2020 tỷ trọng nông lâm thủy sản còn 34,7%, công nghiệp, xây dựng tăng lên 35% và khu vực dịch vụ là 30,3%.
- GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 24 triệu đồng, tương đương 1.250-1.300 USD (bằng 68-69% bình quân cả nước), năm 2020 khoảng 46,1 triệu đồng, tương đương 2.200-2.300 USD (bằng 74-76% bình quân cả nước).
- Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của vùng trong giai đoạn 2011-2015 bình quân 17%/năm, giai đoạn 2016-2020 khoảng 15,5%/năm; kim ngạch xuất khẩu của vùng đến năm 2015 đạt khoảng 3,2 tỷ USD, năm 2020 đạt 6,6 tỷ USD.
b) Về phát triển xã hội và bảo vệ môi trường:
- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của vùng xuống còn 1,5%/năm giai đoạn 2011-2015 và khoảng 1,4% giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2015 dân số toàn vùng đạt 5.788 nghìn người, đến năm 2020 khoảng 6.359 nghìn người.
- Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, nâng tỷ lệ đô thị hóa của vùng lên 31,5% năm 2015 và 36,2% năm 2020.
- Đến năm 2020 có 55-60% huyện, thị trong vùng được công nhận phổ cập giáo dục bậc trung học.
- Đến năm 2015 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm xuống dưới 21%, đến năm 2020 dưới 16%.
- Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 14-15 vạn lao động. Đến năm 2020, tiếp tục duy trì tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 3%, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 88-90%.
- Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng Tây Nguyên đến năm 2015 đạt 40-45%, năm 2020 khoảng 55-60%.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo của vùng bình quân 2,5-3,5%/năm.
- Đến năm 2015, tỷ lệ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định tại các đô thị từ loại III trở lên đạt 90%; các đô thị loại IV đạt 70%; các đô thị loại V đạt 50%; đến năm 2020 tỷ lệ cấp nước đối với các đô thị loại IV trở lên đạt 90%; các đô thị loại V đạt 70%.
Dự kiến tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đến năm 2015 đạt 80%, đến năm 2020 trên 90%.
- Phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn tại các đô thị được thu gom, xử lý hợp vệ sinh đến năm 2015 đạt trên 80%, đến năm 2020 trên 90%.
- Dự kiến tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại các đô thị từ loại III trở lên được xử lý đạt quy chuẩn quy định đến năm 2015 đạt 40-50%, đến năm 2020 đạt 60%. Đến năm 2020 khoảng 40% nước thải tại các đô thị loại IV, loại V và các làng nghề được xử lý đạt quy chuẩn quy định.
- Nâng độ che phủ của vùng lên khoảng 57% vào năm 2015 và trên 59% vào năm 2020.
Quang Tùng
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1819
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)